top of page
  • Writer's pictureKIM HANH VU

VẪN NHỚ, VẪN ĐAU, HOA ĐÀO BIÊN VIỄN

Updated: Feb 17



Đọc stt của "nhà báo chị" Nguyễn thị Ngọc Hải chỉ 6 phút sau khi chị post, tôi còm tức thì:

"Em còn nhớ hoa đào biên viễn, bức điện ngắn từ đồi Pha Long và cái giếng ở Tổng Chúp Cao Bằng".

Bài viết này chị Ngọc Hải đăng 2 bức ảnh cũ Lạng Sơn 1979 rất quí: (1)Nơi nhà báo Nhật bị bắn lén ngay trên phố. Và (2) Cảnh qua sông khi chị đi viết bài được anh tự vệ lấy thuyền độc mộc tự chế đưa qua sông, vì cầu Kỳ Lừa đã bị quân TQ đánh sập khi rút.

Từ đầu tháng 2, tôi đã tìm đọc lại bài phóng sự Hoa đào biên viễn là tư liệu tôi lưu từ 9 năm trước. Và đêm nay, tôi đọc lại bài phóng sự này vào lúc đồng hồ điểm 1g sáng ngày mới, ngày 17/2 thiêng liêng mà người Việt không bao giờ quên. Đó là bài phóng sự mà ngay khi đọc những dòng đầu, tôi đã biết là mình sẽ phải nhớ tới hòai hoài, dù là bao nhiêu năm.


Vì cả bài khá dài (5222 chữ) so với khuôn khổ bài viết blog, tôi xin tóm lược theo cách ngắn nhất là chọn lấy tựa và các tiểu tựa phân đoạn của từng bài. Phóng sự “Hoa đào biên viễn” đăng ngày 13/2/2014, trên báo mạng “Một thế giới”của nhà báo Đào Tuấn chia làm 3 bài.

Bài 1.Biên giới. Hồi ức 35 năm có 2 tựa nhỏ: Một số phận và Khi giặc đến nhà

Bài 2: “Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau” “Ai cũng chỉ nói chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi. Chứ anh em đồng chí, ai nghĩ là sẽ đánh nhau”- 35 năm sau, nguyên bí thư Cao Bằng vẫn còn khắc khoải câu chuyện xảy ra năm 1979. Có hai tựa nhỏ: Trận tập kích bất ngờ và Cú đánh trộm của người anh em

Bài 3: Bia trấn ải- Nơi tổ quốc được tô màu đỏ co hai tựa nhỏ: Pháo đài Đồng Đăng và pháo hoa Trung Quốc - Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long.


Bài phóng sự bắt đầu thế này.

Tháng 2 năm nay, những cây đào Tổng Chúp, Hưng Đạo, Cao Bằng bỗng dưng đỏ loét trong cái nắng trái mùa. Trên đồn biên phòng Pha Long, Lào Cai, thật lạ, chỉ duy nhất một gốc đào đơm hoa. Còn ở pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, những cây đào khoe sắc vô duyên bên nền đá xám xịt và lau lách tùm lum của một pháo đài hoang phế đã đi vào quên lãng.

Sau đó là những thảm cảnh của người dân khi giặc mạnh hơn quân mình gấp 7-10 lần đột nhiên tấn công với ý đồ chỉ đạo: Trận này nhằm “dạy cho VN một bài học”, tàn phá, hủy diệt quốc lực đến cùng, không bắt tù binh, không tha một cành cây, ngọn cỏ”.

Ngày 17.2.1979, Trung Quốc đã dùng một lực lượng quân sự chính quy lên tới 60 vạn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến 1.200 km của cả 6 tỉnh biên giới. Cao Bằng chính là một trong những trọng điểm đánh phá của quân đoàn 41A với sự tham gia của xe tăng và pháo binh.

Cuộc chống trả anh hùng của quân dân Việt Nam được thể hiện dọc bài phóng sự. Hai câu chuyện tôi ấn tượng sâu sắc nhất là chuyện cái giếng thảm sát ở Tổng Chúp và bức điện cuối cùng từ đồi Pha Long.

TẤM BIA NƠI MIỆNG GIẾNG THẢM SÁT Ở TỔNG CHÚP, CAO BẰNG.

Khi giặc từ biên giới tràn qua, dân xã Hưng Đạo (sát biên) cùng nhau chạy. Đến cây số 5 thì bị chúng bắt, trói nghiến chung một nhóm rồi giải về đây. Vụ thảm sát diễn ra. Tấm bia giờ đã cũ mòn, rêu phong nhưng chữ vẫn còn đọc được: “Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo huyện Hòa An. Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước”.

Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng), giờ là khu vực rậm rạp, không có đường vào, phải băng qua 2 con suối cùng vô số lau lách, hoang vắng. Chiếc giếng cạn, nơi năm xưa chứa đầy xác phụ nữ, trẻ em bị hành quyết bằng rìu bổ củi giờ đã lấp đầy cây lá, dù để vào thăm, người ta phải trèo tường, nhảy suối, chui rào và chui qua “vườn ông Đốc”. Đoạn cuối phóng sự là về bức điện tín cuối cùng.


LỜI VĨNH BIỆT NHÓI TRỜI PHA LONG.

Thiếu tá Phan Đức Mạnh, chính trị viên đồn Pha Long cho biết tấm bia trấn ải bằng đá vừa được dựng hồi tháng 5, 2014. Tên tuổi của 37 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc được khắc chìm trong đá xám. Năm ấy, những chiến sĩ công an vũ trang còn trẻ măng đã đánh đến viên đạn cuối cùng, đã đâm gẫy đến chiếc lưỡi lê cuối cùng để bảo vệ tổ quốc. Ngày ấy, sau khi bắn viên đạn cuối cùng, một người lính Pha Long đã gửi bức điện về hậu phương. Và cũng chỉ vài chữ, đại ý:

“Chúng tôi hết đạn. Xin Vĩnh biệt”

Tôi đã đăng ảnh bức điện này một lần ở trang FB cũ, đó là nét chữ đánh điện tín vội vã, không phải viết tay. Nay trên mạng có bức điện, nhưng nội dung đã được ai đó cẩn thận bổ sung, có lẽ cho rõ “bối cảnh” hơn, nhưng khiến tôi tự hỏi, tình thế ấy, giặc vây hãm, hết đạn, người lính còn “hành văn” cho chuẩn xác được sao?.

Bức ảnh chị Ngọc Hải cùng các bạn thăm nơi nhà báo Nhật bị bắn trong phố. Ảnh Chị NH.

Bài phóng sự “Hoa đào biên viễn” kết bằng mấy câu thơ của Vương Trọng: Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long.… Đến lúc này tôi mới hiểu ra Vì sao đường Biên giới bản đồ Của Tổ quốc được tô màu đỏ!.

Năm nay, không hiểu sao, chỉ duy nhất một, trong số gần bảy chục gốc đào ở Pha Long đơm hoa. Không xa Pha Long là điểm cao Tả Ngải Chồ, nơi một đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo, anh hùng liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết đã tay bút tay súng hy sinh vào ngày 17.2.1979.

Đào Tuấn viết anh nghĩ, không phải những tảng đá vô tri khắc tên "Bia trấn ải" là có thể "trấn ải". ..

Mà chính là những ngôi mộ liệt sĩ la liệt khắp dải biên cương của những anh hùng, liệt sĩ năm 1979 mới chính là những tấm “bia trấn ải” thiêng liêng mà mỗi người làm báo chúng tôi cần phải nhắc lại để thế hệ con cháu còn có được cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi nhắc đến hai chữ “Tổ Quốc”.

258 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page