KIM HANH VU
VÌ SAO CÓ THẢM TRẠNG "RAU 2 LUỐNG, CHUỒNG 2 NGĂN" ?
Bạn An Pham của mình vừa chia sẻ ý kiến GS Nguyễn Lân Dung về chuyên vợ chồng ông cùng bị ung thư và chữa bịnh đã đến được tình trạng ổn định. Qua câu chuyện (trích đăng từ báo ĐĐK)
quả thực vấn đề "rau hai luống, chồng hai ngăn" do lạm dụng thuốc độc trong nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu hóa chất độc hai, gọi chung) có giảm nhưng vẫn rất nghiêm trọng. Bao nhiêu doanh nghiệp buôn bán vật tư nông nghiệp đã giàu sụ lên từ nghề này, chính họ cũng phải tự kinh hoàng. Vì vậy mà gần đây, cả xã hội phải báo động về hậu quả của sự buông lỏng này sẽ gây ra trên sức khỏe người dân. Tại Mekong Connect 2021, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng đã kêu gọi hãy ứng dụng nhiều hơn sinh học ở ĐBCSL. Và cũng tại đó, doanh nông Nguyễn Lâm Viên, chủ tich CT CP Vinamit đã ký một MOU hợp tác đào tạo nguồn nhân lực mới cho "nông pháp sinh học" và hữu cơ , tức cho nền nông nghiệp bền vững không hóa chất độc hại. Muộn còn hơn không?

Ý kiến GS Nguyễn Lân Dũng về bịnh ung thư
Trích từ Đại Đoàn Kết - Nguyễn Thanh Bình (thực hiện)
Tôi đã gặp ông nhiều lần, đã ngồi trò chuyện với ông ngay ở phòng tầng 1 của nhà mặt phố Trần Thánh Tông với hàng ngàn cuốn sách bao quanh, nơi đó ông vừa làm việc vừa tiếp khách. GS Nguyễn Lân Dũng luôn cho người đối diện cảm giác ông là người cực kỳ bận rộn. Mà ông bận thật. Nếu không đi họp, thì ông đi nói chuyện ở đâu đó, trên truyền hình, hay cho sinh viên, học sinh các trường về Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Nếu không đi nói chuyện thì ông ở nhà viết sách... Bây giờ cũng vậy, trở về sau những tháng nằm viện truyền hóa chất, GS lại bắt tay vào biên soạn cuốn từ điển mới. Ông đang sống những tháng ngày hạnh phúc, để tiếp tục hành trình chia sẻ tri thức…
(...)Thưa giáo sư,Khi biết mình bị ung thư hạch bách huyết, điều đầu tiên ông nghĩ đến là gì?
- Một lần khám bệnh định kỳ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do con trai tôi là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu làm Giám đốc, khi con thông báo: “Bệnh bố nặng, nguy hiểm đấy”, tôi giật mình. Tôi sống lành mạnh, không rượu bia, không hút thuốc lá. Tôi cũng rất hiếm khi sử dụng đồ hộp, đồ uống có đường. Vợ tôi (PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc BVTƯ Quân đội 108 - PV) gần đây cũng phải điều trị ung thư… Vậy tại sao mình và vợ đều bị ung thư?
Tôi nghĩ mãi và thấy có mỗi nhược điểm là suốt mấy chục năm qua vợ chồng tôi ăn rau và các loại hoa quả “mùa nào thức ấy” mua ngoài chợ. Mà mua ngoài chợ thì khó lòng biết loại rau nào, hoa quả nào không có thuốc trừ sâu. Nông nghiệp Việt Nam đã sử dụng và lạm dụng thuốc trừ sâu quá nhiều. Người nông dân thường trồng 2 ruộng rau, một ruộng để ăn còn một ruộng để bán. Ruộng để ăn không phun thuốc gì, rau mọc chậm, mẫu mã xấu. Ruộng để bán thì xanh mơn mởn, vì có thuốc trừ sâu. mùa nào cũng được mùa. Số liệu báo cáo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trước Quốc hội ngày 6/1/2019 cho biết, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu đến 126.000 tấn thuốc trừ sâu. Năm 2018 số lượng có bớt đi nhưng cũng còn tới 83.000 tấn và 10 tháng đầu năm 2019 còn 76.000 tấn… Cho nên, tôi suy ra một điều, phải chống thuốc trừ sâu hóa học.
Chống bằng cách nào được, thưa GS?
- Tôi đang cố gắng để cùng với con gái, con rể và các đồng nghiệp nghiên cứu sản xuất ra loại thuốc trừ sâu vi sinh vật - loại sản phẩm tuyệt đối an toàn cho người và gia súc. Chúng tôi đã sưu tầm được các chủng vi sinh vật diệt sâu và đang cố gắng nghiên cứu phương thức sản xuất, nhưng thú thật là tốc độ tiến hành còn quá chậm.
Thoát khỏi cửa tử, tôi băn khoăn một điều, tôi và vợ tôi đều ở diện được miễn tiền hóa trị. Nhưng nếu nông dân thì sao? Tôi giật mình khi thấy tiền hóa trị không phải tiền triệu, cũng không phải trăm triệu, mà là tiền tỉ. Với người thu nhập bình thường, lao động phổ thông như nông dân, công nhân, lao động tự do, những người không có bảo hiểm y tế đủ tầm thì không hiểu sẽ lấy đâu ra đủ tiền để điều trị nếu không may mắc ung thư?
Tôi cứ suy nghĩ mãi về điều này. Có lẽ giải pháp duy nhất là làm sao để các thanh niên nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ. Ngoài ra, mỗi người tự giúp mình hiểu biết hơn về các biện pháp phòng tránh ung thư, để có cuộc sống lành mạnh dài lâu.