KIM HANH VU
THẾ SỰ VÀ THƯƠNG TRƯỜNG (NGÀY 5/3/2022)
Hơi lâu rồi mình mới có thời gian ngồi tổng hợp tin. Mời bạn đọc nhé.
Phần A là thế sự trong nhà.
1/ CHỦNG OMICRON CHIẾM ƯU THẾ, TPHCM RA VĂN BẢN KHẨN
UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn yêu cầu các cấp các ngành quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, trong thời gian tới có thể xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh và trường học. UBND TP đề nghị các sở ban ngành, các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện nghiêm nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế:
-Các quận huyện cần tăng cường triển khai hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, trong khu công nghiệp, trường học theo các quy trình đã hướng dẫn.
-Đẩy mạnh tiêm chủng, chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi khi có chỉ đạo Bộ Y Tế.
2/ HÀ NỘI ĐỔI MÀU CAM 252 XÃ PHƯỜNG SAU MỘT TUẦN, NHƯNG Số CA NẶNG GIẢM SÂU
TP Hà Nội tiếp tục tăng số địa phương 'vùng cam' từ 74 lên 326 xã, phường, thị trấn. Số địa phương vùng 'xanh, vàng' giảm mạnh trong bối cảnh số ca COVID-19 trong tuần tăng nóng.
Tuy nhiên do tình hình tiêm vac xin ổn nên không nguy ngập như TPHCM thời gian cao điểm năm 2021.

3/ HƠN 4 VẠN HS, GV TPHCM NGHI MẮC COVID SAU MỘT THÁNG ĐI HỌC LẠI
44.000 giáo viên, học sinh TP HCM nghi mắc Covid-19 sau gần một tháng. Từ 7/2 đến 2/3, gần 3.700 giáo viên, khoảng 40.300 học sinh nghi nhiễm, và vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 số ca tăng nhiều nhất; quận 1, 12, Tân Phú, Bình Thạnh và TP Thủ Đức chiếm 42% số ca
4/ BỘ TRƯỞNG LÊ MINH HOAN: NÔNG NGHIỆP VẪN MÙ MỜ VỀ CUNG CẦU. CÒN DOANH NGHIỆP VẪN “MÊ” THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Tại cuộc tọa đàm "Để nông sản không bị ùn tắc ở cửa khẩu, đâu là giải pháp căn cơ" vào chiều 4/3, ông Lê Minh Hoan nhìn nhận “ Quả thực, nông nghiệp chúng ta còn mù mờ về cung cầu. Đó là nguyên nhân chính bên cạnh nguyên nhân cụ thể là gần đây Trung Quốc siết chặt giao thương tiêu ngạch ở các cửa khẩu. Sau Tết nguyên đán, tại Lạng Sơn đến ngày 4/3 còn hơn 1.400 xe container hàng hoá chờ xuất khẩu, trong đó có 800 xe chở nông sản. Ông Hoan nói: "Ta gần như đi buôn chuyến nhiều hơn, sản xuất và xuất khẩu nông sản chưa có tính kết nối cung cầu. Sản xuất tạo ra sản lượng mà không tìm kiếm thị trường, gắn với nhu cầu thị trường nên buôn bán phụ thuộc sự may rủi. Hiện nay, xuất khẩu" phải có lộ trình và hành động rõ ràng để chuyển dần sang chính ngạch.
Trong khi đó, nhiều cuộc tiếp xúc các doanh nghiệp chuyên xuất hàng đi Trung Quốc cho thấy, DN ta vẫn mê thị trường Trung Quốc vì: dễ tính, sức mua lớn, không ngặt nghèo về dư lượng và cách bảo quản, phí vận chuyển thấp.

5/ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG ĐỀ NGHỊ BỘ Y TẾ GIẢM PHIỀN HÀ CHO LAO ĐỘNG LÀ F0 LÀM THỦ TỤC HƯỞNG TRỢ CẤP
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế bỏ thủ tục phiền hà cho lao động khi xác nhận F0 và hướng dẫn hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau cho phù hợp với tình hình thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19. Những ngày qua, đơn vị nhận được nhiều ý kiến phản ảnh của đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn về việc quá sức chật vật xin giấy xác nhận F0 và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội như phải ra trạm y tế xã, phường nơi tạm trú để khai báo và xin giấy xác nhận F0 gửi công ty để xin nghỉ làm khiến F0 phải đi lại nhiều lần gây mất an toàn trong công tác phòng chống dịch.
6/ RÚNG ĐỘNG: 2 TRUNG TƯỚNG VÀ 1 THIẾU TƯỚNG CỦA HỌC VIỆN QUÂN Y BỊ KỶ LUẬT
Cơ quan kiển tra TW nhận xét: Lãnh đạo Học viện thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; và một số Thượng tá, đại tác đã phải chịu trách nhiệm cá nhân trong vụ sai phạm rất lớn này
7/ DOANH NGHIỆP THIẾU LAO ĐỘNG, XIN CHO F1 ÂM TÍNH ĐƯỢC ĐI LÀM
Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép công nhân là F1 có kết quả xét nghiệm âm tính được đi làm. DN. TPHCM ngày càng thiếu hụt lao động do F1 phải cách ly nhiều. Thông tin từ ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, biến chủng Omicron đang lây nhiễm nhanh và cũng qua khỏi nhanh, ít có trường hợp chuyển nặng. Hiện nay, chỉ cần một công nhân bị F0 là cả phòng trọ hay cả khu nhà trọ phải các ly ít nhất 5 ngày.

8/ XUẤT KHẨU HÀNG VIỆT SANG NGA GẶP KHÓ
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga đang khiến các đơn hàng Việt Nam xuất khẩu bị ngưng trệ và kẹt thanh toán. Vài ngày nay, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh liên tục liên lạc với các khách hàng tại Nga và châu Âu để giải quyết tình trạng ùn ứ đơn hàng và chứng từ thanh toán. Phúc Sinh mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 triệu USD cà phê, hạt điều, tiêu... sang Nga. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn hàng sang Nga tăng gấp đôi cùng kỳ 2020. Khi xảy ra chiến sự, việc XK của Phúc Sinh bị dừng. Việc Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) khiến đơn hàng sang Nga bị giảm nửa giá trị vì đồng Rúp mất giá, thanh toán đình trệ. Nhiều DN cũng gặp cảnh này.
9/ HÃNG GRAB CÔNG BỐ LỖ RÒNG 3,6 TỶ USD
Grab vừa công bố số liệu kết quả tài chính năm 2021. Đây là lần đầu tiên ứng dụng gọi xe kỳ lân của Đông Nam Á công khai số liệu kinh doanh sau khi trở thành doanh nghiệp niêm yết với sự kiện lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào tháng 12/2021. Năm ngoái, tổng giá trị giao dịch trên nền tảng của Grab (GMV) đạt giá trị 16 tỷ USD, tăng 29% so với 2020. Doanh thu của siêu ứng dụng này đạt 675 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Năm qua, Grab chi hơn 1,1 tỷ USD cho các hoạt động bán hàng, marketing, quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển (R&D) nên bị lỗ thuần 1,6 tỷ USD từ KD. Cộng với khoản chi phí tài chính khổng lồ gần 2 tỷ USD, năm qua, Grab lỗ ròng 3,6 tỷ USD.
Và phần B vẫn là thế sự thương trường thế giới
1/ GRUZIA VÀ MOLDOVA XIN GIA NHẬP LIÊN MINH CHÂU ÂU
Hai nước này (2 nước thuộc Liên Xô cũ) đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu ngày 03/03/2022. Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, thủ tướng Gruzia cho biết gia nhập Liên Hiệp Châu Âu là một “mục tiêu chiến lược”. Họ lo ngại Gruzia (3,7 triệu dân) trở thành mục tiêu tiếp theo của Matxcơva. Cảnh đường phố Gruzia mỗi tối hiện giờ, dân tụ tập trước tòa nhà Quốc Hội ủng hộ “những người anh em Ukraine” là minh chứng cho kết quả thăm dò: ba phần tư người Gruzia ủng hộ việc xích gần lại châu Âu và NATO.
Còn Moldova, cũng nộp đơn cùng ngày. Có khoảng 2,6 triệu dân, Moldova là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Việc gia nhập LM châu Âu chắc chắn sẽ kéo dài vì có nhiều tiêu chí nhưng hai nước cũng quyết nộp đơn.

Sau 9 ngày bị Nga tàn phá, các khu dân cư, trường học, bệnh viện tan nát.Chung cư bị bom cắt đổi ở Borodyanka, gần Kiev.
2/ NGA OANH KÍCH VÀ CHIẾM NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN LỚN NHẤT UKRAINE
Sau một đêm oanh kích dữ dội, đến sáng 04/03, quân đội Nga đã chiếm được Energoda, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina và lớn nhất châu Âu vẫn đang hoạt động.Hiện nay đội ngũ nhân viên vận hành nhà máy vẫn kiểm soát các khu vực năng lượng và bảo đảm việc khai thác phù hợp với quy định kỹ thuật an toàn vận hành ».
Đây có thể là chiến lược mới sau tuần lễ đầu không thắng lợi của Nga: tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Người Ukraine lo ngai là ngay cạnh Energoda, ở thành phố lớn thứ sáu Zaporizhzhia, còn có một đập thủy điện lớn trên sông Dnepr. Rất có thể Nga sẽ tấn công nhà máy thủy điện cung cấp điện cho phần lớn Ukraina.
3/ NGÂN HÀNG THẾ GIỚI CẤP TỐC GIẢI NGÂN 460 TRIỆU EURO TÍN DỤNG CHO UKRAINE
Theo hai nguồn thạo tin, khoản tiền được giải ngân khẩn cấp này của Ngân Hàng Thế Giới đã tăng lên nhờ đóng góp của Thụy Điển và Hà Lan, và sẽ được trình lên hội đồng quản trị phê duyệt ngay hôm 04/03/2022. Thủ tục giải ngân, được tiến hành với tốc độ nhanh chóng khác thường, sẽ cung cấp cho Ukraina khoản tiền mặt rất cần thiết để củng cố khả năng phòng thủ đối phó cuộc xâm lược của Nga. Còn vào hôm qua, 03/03, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gọi điện cho đồng nhiệm Ukraina để thảo luận về các khoản hỗ trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo bổ sung cho Kiev đang cần.

Painga Takhon đứng bên trái. May mà còn toàn mạng trở về khi hết hạn tù...
4/ MỸ NAM ĐẸP TRAI NHẤT THẾ GIỚI VỪA RA TÙ
Paing Takhon đã được trả tự do sau nhiều tháng bị quân đội bỏ tù vì biểu tình chống đảo chính ở Myanmar. Anh được trang TC Candler của Mỹ chọn là người đẹp trai nhất thế giới năm 2021. Anh được tự do vào ngày 2/3. Một luật sư xác nhận với tờ Eleven Myanmar rằng mỹ nam nổi tiếng đã trở về nhà. Trên Facebook, một người bạn của anh đã đăng ảnh chụp cùng anh. (anh mặc sơ mi trắng, để râu, đứng bên trái).

Hình ảnh này trước mỗi trận đấu, làm sao Trung Quốc để yên cho phát sóng?
5/ TRUNG QUỐC NGƯNG PHÁT SÓNG CÁC TRẬN ĐẤU VÒNG MỘT GIẢI NGOẠI HẠNG ANH
Giải Ngoại hạng Anh sẽ có nhiều hoạt động ủng hộ Ukraine và Trung Quốc sẽ dừng phát sóng các trận đấu của giải từ 5/3 đến 7/3. Ban tổ chức giải thông báo sẽ dành thời gian trước mỗi trận đấu để ủng hộ Ukraine: Các đội trưởng sẽ đeo băng đặc biệt, trên màn hình lớn và bảng đèn LED giữa sân sẽ hiển thị cờ Ukraine. Trên mạng xã hội, các thương hiệu giải đấu cũng sẽ để thông điệp và hình ảnh ủng hộ nước này.
Trung Quốc đã phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói hôm 28/2: "Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục hợp tác thương mại bình thường trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi".
6/ PHẦN LAN TUYÊN BỐ CÂN NHẮC “BỚT TRUNG LẬP”
Ngày 4-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto có cuộc hội kiến tại Mỹ trong đó, Tổng thống Sauli Niinisto nói xa xôi về việc: "Chúng tôi thường không gây chiến".
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã khiến nước này lần đầu tiên phải cân nhắc nghiêm túc về việc có nên trở thành thành viên NATO hay không và suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với Washington, NATO và phương Tây. Một khảo sát của Đài truyền hình Phần Lan YLE tuần này cho thấy lần đầu tiên, có hơn 50% người Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO.
7/ TỶ PHÚ ELON MUSK LO NGẠI HỆ THỐNG VỆ TINH BĂNG THÔNG RỘNG SPACEX TAI UKRAINE CÓ THỂ BỊ NGA TẤN CÔNG.
Lời cảnh báo này được đưa ra vài ngày sau khi một nhà nghiên cứu bảo mật an ninh mạng lưu ý các thiết bị được sử dụng để liên lạc vệ tinh có thể trở thành « đèn hiệu » mà Nga có thể nhắm tới trong các cuộc không kích. Trên mạng Twitter ngày 03/03/2022, Elon Musk yêu cầu người dùng « chỉ bật Starlink khi cần thiết và đặt ăng-ten càng xa mọi người càng tốt », « nhớ che ánh sáng ở ăng-ten để tránh bị Nga phát hiện ».
8/ NGA CHẶN FACEBOOK, TWITTER VÀ CÁC HÃNG TIN ĐỘC LẬP VỚI LUẬT MỚI PHẠT TÙ TỚI 15 NĂM
Nga đã chặn Facebook và một số trang web khác, đồng thời thông qua luật cho phép Moscow có quyền mạnh hơn nhiều trong việc đàn áp báo chí độc lập, khiến BBC, Bloomberg, VOA và CNN và CBS News cho biết họ sẽ ngừng phát sóng ở Nga. Quốc hội Nga hôm qua, 4/3/2022 đã thông qua đạo luật áp dụng mức án tù lên đến 15 năm vì tội cố ý phát tán tin tức "giả" về quân đội, “trừng phạt rất cứng rắn - đối với những kẻ nói dối và đưa ra những tuyên bố làm mất uy tín lực lượng vũ trang của chúng ta”. Hiện nay, Meta có khoảng 7,5 triệu người dùng Facebook ở Nga vào năm ngoái và 122,2 triệu người dùng trên các dịch vụ khác bao gồm Instagram, WhatsApp và Messenger, theo ước tính từ Insider Intelligence.
9/ BỘ TƯ PHÁP MỸ CỬ CÔNG TỐ VIÊN ĐIỀU TRA CÁC NHÀ TÀI PHIỆT NGA LIÊN QUAN PUTIN
Công tố viên Andrew Adams vừa được Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ chỉ định làm Biện lý trưởng đội điều tra đặc biệt các nhà tài phiệt đầu nậu Nga (oligarchs) liên quan đến Putin.
Mục đích của đội này là điều tra, bắt giữ và truy tố những ai có hành vi phạm pháp giúp chính quyền Nga tiếp tục cuộc chiến tranh phi lý chống Ukraine, đồng thời có quyền tịch thu dân sự lẫn hình sự mọi tài sản nào thủ đắc từ hành vi bất chính.

Du thuyền "Tình yêu" của tài phiệt Nga đang ở Cảng Marseille (Pháp)bị bắt lại, vì có dấu hiệu,,,ra khơi khẩn cấp
10/ PARIS SĂN LÙNG TÀI SẢN NGA TẠI PHÁP.
Bộ Kinh Tế và Tài Chính Pháp ngày 04/03/2022, thông báo thành lập một lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm và phong tỏa tài sản của các cá nhân, thực thể ở Pháp nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu do có quan hệ gần gũi với chính quyền Nga. Lực lượng này cũng tham gia bài trừ các hoạt động tài chính bí mật, rửa tiền, tài trợ cho khủng bố. Nạn nhân đầu tiên là...chiếc du thuyền tên “tình yêu” vừa bị Hải quan Pháp tịch thu "vì thấy chiếc du thuyền này chuẩn bị ra khơi khẩn cấp". Du thuyền dài 88 mét này là của tỷ phú Nga Igor Sechin ở Marseille và ông này được cho là "thân hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Trong khi đó, Mỹ và Anh tăng cường điều tra và bổ sung danh sách các nhà tài phiệt mới bị trừng phạt ngày 03/03/2022, trong đó có Alisher Umanov và cựu thủ tướng Igor Chouvalov, lãnh đạo ngân hàng phát triển Nga VEB.