KIM HANH VU
THẾ SỰ & THƯƠNG TRƯỜNG (NGÀY 3/1/2022)

Thế là năm mới đã bắt đầu được 3 hôm. Vẫn còn cơ hội để ta chúc nhau có đủ sức khỏe, gia đình yên ấm, công việc thuận lợi và nhiều niềm vui (ai cũng phải tự tìm). Tôi cũng chúc các bạn sẽ có những phút thú vị với chuyên mục này để tôi còn động lực tiếp tục vì phải đọc không ít (gặp những tin rất dài mà “bóc tách” cái lõi quá khó thì thật...chán) nhưng nghĩ biết đâu bạn đọc thấy vui, là tôi lại gắng...
Phần A là chuyện thế sự & thường trường trong nhà. 1/ SỐ LIỆU CHUNG VỀ TÌNH HÌNH DỊCH Ở VN NĂM QUA (2021) Sau khi được quốc tế ca ngợi về thành công trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19, năm 2021, Việt Nam lại phải đối đầu với một đợt dịch bùng phát rất mạnh do biến thể Delta, vốn lây lan rất nhanh. Ngày 2/1/2022, VN đã có 16.948 ca nhiễm mới trong đó, Hà Nội cao nhất với hơn 2.000 ca. Tổng số ca nhiễm chng lên tới gần 1 triệu 600 ngàn ca và tổng số ca tử vong đã vượt qua ngưỡng 30.000. Từ đầu năm, VN lao đao vì biến thể Delta, hiện này dịch còn tiếp diễn và cả nước cảnh giác rất cao với nguy cơ Omicron
2/TP HCM CẦN HƠN 300.000 LAO ĐỘNG NĂM 2022 Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) mới đây, thị trường lao động thành phố có 2 kịch bản tùy vào diễn biến của dịch. Nếu Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp cần tuyển 280.000-310.000 lao động cho năm 2022. Trường hợp dịch vẫn phức tạp, nhu cầu nhân lực của thành phố khoảng 255.000 – 280.000 người. Khu vực thương mại, dịch vụ là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, chiếm đến gần 66% bao gồm thương nghiệp, vận tải kho bãi, lưu trú, ăn uống, thông tin truyền thông, kinh doanh bất động sản... 3/CHUYỆN LẠ: GIÁM ĐỐC CDC BÌNH PHƯỚC “XIN TRẢ LẠI QUÀ Chiều 2/1, ông Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước cho biết, thuộc cấp là ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) được Công ty cổ phần công nghệ Việt Á tặng quà và người này xin nộp lại. Ông nói: " Ngày 4/1, tỉnh sẽ lập hội đồng để ghi nhận việc trả lại quà của ông Sáu", ông Đức nói và cho hay "chưa biết hộp quà mà lãnh đạo CDC được tặng là gì". Ông Sáu trả lời phỏng vấn báo chí: đầu tháng 12/2021, đại diện Công ty Việt Á đến cơ quan và gửi quà. Dợi đến sau nghỉ lễ -Tết dương lịch, nghỉ bù- tôi sẽ nộp lại cho cơ quan chức năng" Động tác lạ này diễn ra sau một tháng. Bình Phước mua kít test của Việt Á hơn 41,5 tỷ đồng, chi àm mấy dợt, chỉ có đợt đầu có đấu thầu rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia số tiền 7 tỷ, còn sau đó đều theo kiểu đấu thầu rút gọn (chỉ định) 4/ KHÔNG THỂ ĐÁNH CÁ Ở HOÀNG SA, NGƯ DÂN VIỆT PHẢI MẠO HIỂM KHƠI XA Trên tờ Tempo ở Jakarta mới đây đăng tin: các ngư dân châu Á phải tranh giành nhau nguồn lợi hải sản đang ngày càng giảm sút ở Biển Đông, do bị Trung Quốc giành mất khu vực đánh cá của mình. Năm 2015, ước tính đã thu hoạch được 10 triệu tấn hải sản trên Biển Đông, chiếm 12% sản lượng thế giới nhưng nay ngày càng giảm. Theo bài báo, các tàu đánh cá Việt Nam thường đi vào Indonesia và Malaysia vì họ không còn đến được vùng biển quen thuộc gần Trung Quốc. Ngư dân từ cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi bị bắt tại Malaysia cho biết không dám đến Hoàng Sa hay Trường Sa do các tàu tuần duyên Trung Quốc thường uy hiếp họ, thậm chí bắn vào ngư dân và ngoài ra, vùng này sau khi tàu TQ vét sạch nguồn lợi cũng chẳng còn cá. 5/ CẤP THẺ HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH GIẢ, 5 NGƯỜI BỊ BẮT 5 người này theo cáo buộc, đã câu kết với 3 cán bộ thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh để cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch cho người thiếu bằng Đại học cùng các chứng chỉ liên quan 3 cán bộ thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai gồm Doãn Thị Hồng Hạnh, 38 tuổi, chuyên viên phòng Quản lý Du lịch; Nguyễn Thị Vân, 41 tuổi, chuyên viên phòng Quản lý Văn hóa và Vũ Thị Kim Oanh, 38 tuổi, chuyên viên phòng Nếp sống Văn hóa và Gia đình đã làm giả bằng rồi xin Sở Văn hóa cấp thẻ. Cơ quan điều tra của tỉnh Lào Cai cho biết vụ án liên quan nhiều tỉnh thành. 6/ LẬP KHOA HỒI PHỤC CHỨC NĂNG HẬU COVID ĐẦU TIÊN Ở MIỀN BẮC Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 Hà Nội vừa lập khoa Hồi phục chức năng hậu Covid-19, với 40 giường bệnh, chăm sóc F0 về thể chất và tinh thần trước khi xuất viện. Ngày 2/1, PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc) cho biết trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, nhiều F0 trở nặng, bệnh nhân cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn ổn định tâm lý, rút ngắn thời gian phục hồi và ra viện sớm. Bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng còn tổn thương phổi, chưa bỏ được oxy... hoặc bị ảnh hưởng tâm lý do mắc bệnh, được chăm sóc tại đây. Phần B vẫn là Thế sự thương trường thế giới 1/HIỆP ĐINH THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT THẾ GIỚI RCEP CÓ HIỆU LỰC TỪ 1/1/2022. Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, 'siêu' Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, GDP lên tới 26.200 tỉ USD, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 30% dân số thế giới Việt Nam cũng tham gia hiệp định này. Tin này rất quan trọng, tôi có bài viết riêng. 2/ SÁU XU HƯỚNG ĐƯỢC QUAN TÂM TRONG KINH TẾ THẾ GIỚI 2022

a/LẠM PHÁT GIA TĂNG. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu năng lượng tăng đột biến đã đẩy giá cả lên cao trong năm qua. Nước Anh có nguy cơ đặc biệt cao về lạm phát đi kèm tăng trưởng chậm (stagflation), do tình trạng thiếu lao động hậu Brexit và sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên đắt đỏ. b/TƯƠNG LAI BẤT ĐINH CỦA CÔNG VIỆC. Tương lai của việc làm là mô hình hỗn hợp (Hybrid Work) và nhiều người sẽ làm việc tại nhà (WFH), đó là nhận định được đồng thuận nhiều. Từ đó, nhiều vấn đề chi tiết đang tranh luận: Làm việc ở nhà sẽ là bao nhiêu ngày trong tuần? Phương thức làm việc này liệu có công bằng? Giám sát chất lượng công việc thế nào ? vì vậy, tiên đoán là: họ càng ít cơ hội thăng tiến. c/ CUỘC CHIẾN VỚI GIỚI CÔNG NGHỆ. Các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu đã cố gắng kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa tác động đáng kể lên tăng trưởng hoặc lợi nhuận của họ. Trong vấn đề này, Trung Quốc lại đã siết chặt quản lý một cách quyết liệt. Ông Tập Cận Bình muốn họ tập trung vào "công nghệ sâu" mang lại lợi thế địa chiến lược cho TQ, chứ không tập trung “kiếm tiền” bằng game và thương mại điện tử. Chờ xem cuộc “trừng trị” giới công nghệ TQ còn đi đến đâu.

d/ TIỀN SỐ SẼ PHẤT MẠNH? Giống như tất cả các công nghệ đột phá, tiền kỹ thuật số cũng đang được các cơ quan quản lý thắt chặt quy định và "thuần hóa" . Các ngân hàng trung ương cũng đang tìm cách tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ. Kết quả là sẽ có một cuộc chiến 3 bên trong tương lai ngành tài chính. Đó là người hâm mộ tiền số - Blockchain - Tài chính phi tập trung (DeFi); các công ty công nghệ truyền thống hơn; và ngân hàng trung ương. Cuộc chiến này dự kiến khốc liệt hơn trong năm 2022. e/ VIỆC ĐI LẠI VẪN RẮC RỐI PHIỀN HÀ. Sự xuất hiện và đe dọa xuất hiện các biến thể mới vẫn đe dọa việc đi lại nói chung. Vài nước còn theo "zero Covid" gặp khó là chuyển sang chính sách kiểm soát đi lại khi đại dịch biến thành một loại bệnh đặc hữu. Trong khi đó, giới phân tích dự báo có một nửa số chuyến công tác xuyên biên giới sẽ biến mất. Điều này thân thiện với môi trường, nhưng không tốt cho ngành lữ hành, du lịch. g/ CUỘC ĐUA VÀO KHÔNG GIAN. 2022 sẽ là năm đầu tiên nhiều người lên vũ trụ hơn nữa với tư cách là hành khách trả tiền hơn là các phi hành gia chuyên nghiệp, nhờ các công ty du lịch vũ trụ tham gia kinh doanh. Trung Quốc sẽ hoàn thành trạm vũ trụ mới của mình. Các nhà làm phim thì đang cạnh tranh để làm phim ở chế độ zero-G, tức môi trường không trọng lực. Còn NASA dự định phóng tàu thăm dò vào một tiểu hành tinh, trong một sứ mệnh không khác nào phim Hollywood. 3/ DOANH NGHIỆP MỸ GIẢM MẠNH VIỆC ĐẶT TRỤ SỞ Ở HỒNG KÔNG Theo Bloomberg, số công ty Mỹ đặt trụ sở cấp khu vực tại Hong Kong đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 18 năm qua. Nguyên nhân được cho là vì luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc và các biện pháp chống COVID-19 qua hà khắc, bất tiện cho việc kinh doanh. Hiện nay, có 254 công ty Mỹ đặt trụ sở cấp khu vực tại thành phố này, giảm 10% so với số lượng 282 của một năm trước đó. 4/ TRUNG QUỐC HỢP NHÁT 3 CÔNG TY KHAI THÁC ĐẤT HIẾM

3 công ty này là CT nhà nước có tên là Aluminium Corp. , China Minmetals và Ganzhou Rare Earth Group sáp nhập thành Tập đoàn China Rare Earth Group. một công ty sẽ kiểm soát gần 70% sản lượng kim loại chủ chốt của TQ, đặt dứới sự quản lý của chính quyền thành phố Ganzhou, tỉnh Giang Tây, một khu vực giàu các kim loại này. Kim loại này cần thiết cho nhiều loại sản phẩm công nghệ cao, nhằm chuẩn bị cho những căng thẳng kéo dài với Mỹ. Báo chí Trung Quốc gọi tập đoàn này là “hàng không mẫu hạm” do qui mô nó: chiếm gần 70% hạn ngạch sản xuất của Trung Quốc đối với đất hiếm vừa và nặng, và gần 40% đối với đất hiếm nói chung. Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc chiếm khoảng 60% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới. 5/ISRAEL THU HOẠCH DÒNG ĐIỆN TỪ RONG BIỂN

Các nhà nghiên cứu Israel đã sử dụng loài rong biển Ulva, thường được gọi là rau diếp biển, làm nguồn quang hợp mới cho dòng điện, tạo ra các phân tử truyền electron đến một điện cực. Phương pháp mới này khá hiệu quả và thân thiện môi trường. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Technion và Viện Nghiên cứu hải dương và địa chất học (IOLR) công bố ngày 28/12 trên tạp chí chuyên ngành cảm biến sinh học và điện tử sinh học, rằng họ tạo ra các phân tử truyền electron đến một điện cực. Dòng điện lớn hơn 1.000 lần so với dòng điện do vi khuẩn lam (cyanobacteria) tạo ra, ngang bằng với dòng điện thu được từ công nghệ hấp thu năng lượng Mặt Trời tiêu chuẩn. 6/ DO DỊCH COVID, NHẬT BẢN TĂNG TIÊU DÙNG NHỰA NĂM 2021 Đại dịch Covid đã khiến nhu cầu đối với hộp đựng thực phẩm bằng nhựa và tấm chắn giọt bắn tăng, đẩy sản xuất các sản phẩm nhựa tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 4,71 triệu tấn trong 10 tháng. Màng bao bì là một yếu tố đóng góp lớn, tạo các hộp đựng có trọng lượng nhẹ và dễ mang theo. Sản lượng nguyên liệu này, chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng, đã tăng 3% trong tháng 10 lên khoảng 99.000 tấn, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Các tấm nhựa dùng để phân chia chỗ ngồi trong văn phòng và nhà hàng cũng đã có nhu cầu. Lượng nhưa dùng đã tăng 5% lên 18.000 tấn. Nhựa làm thùng chứa hàng hóa cũng đang trỗi dậy khi thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Sử dụng nhưa tăng còn do công nghiệp. Liên đoàn Công nghiệp Nhựa Nhật Bản cho biết: “Vật liệu nhựa là chìa khóa để chế tạo xe điện nhẹ hơn và có khả năng sẽ được sử dụng rộng rãi hơn để nâng cao hiệu quả của những phương tiện này”. Trong khi đó, việc sử dụng túi ni lông tại các siêu thị đã giảm mạnh, có thể đến 70 về khối lượng. #vukimhanh #thesuvathuongtruong