KIM HANH VU
TÔI VÀ BẠN CÓ VÔ CAN?

Hình ảnh quen thuộc dọc bờ kè: có thùng rác công công, song người ta lấy luôn cái cửa, vứt rác bên ngoài, chung quanh thùng rác.
CÚ ĐÁ KỊCH TÍNH. Chuyện nhỏ thôi, nhưng cứ gợi đến chuyện khá to. Sáng nay tôi vẫn đi bộ dọc bờ kè Hoàng Sa. Thấy có một chị trung niên, đứng tựa lan can, nhìn dòng nước , ăn xôi. Ăn xong chị tiện tay vứt cả gói lá và bao nilon xuống kênh. Bỗng chị bị sút tay, mớ lá và bao nhựa rơi xuống đất, ngay cạnh chân. Chị bèn lấy chân co lên đá mạnh mớ lá, ủa, vèo, chiếc dép của chị cũng bay theo đống lá. Biết khó bay theo chụp lại chiếc dép, chị đá mạnh vào lan can thành cầu.
Vậy là chị ta xui ít còn nước kênh xui nhiều hơn. Tôi vẫn đi, tự hỏi, nếu là người quen, mình ngăn chị ấy ném rác xuống kênh kịp không, cứu vãn một tác hại môi trường kịp không? Kể ra mình không vô can nhỉ?

Lòng sông Thames khô cạn tại Kemble ở Gloucestershire (Ảnh: Stephen Shepherd / LNP)
CƠN KHÁT VÔ HẠN. Tôi chợt nhớ bản tin tôi đọc tối qua, với những fact rất nghiêm trọng mà chắc chẳng mấy ai chú ý. Đó là một loạt tin về cơn khát vô hạn đang hoành hành trái đất ...của chúng mình (từ các bản tin quốc tế).
-Nhiệt độ ở Bắc Cực tăng cao gần 4 lần so với phần còn lại của hành tinh. Tạp chí khoa học Communications Earth & Environment of the Nature, hôm 11/8/2022 vừa công bố: nhiệt độ ở Bắc Cực đã tăng cao hơn gần 4 lần so với phần còn lại của hành tinh trong vòng 40 năm qua. Nghiên cứu này được thực hiện với dữ liệu vệ tinh của một nhóm các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Na Uy và Phần Lan. Còn ở Thụy Sỹ (theo hãng RFI).
-Nắng nóng làm lộ đèo chìm dưới băng từ hơn 2.000 năm. Ngày 11/08/2022, ban quản lý khu trượt tuyết Glacier 3000 ở Diablerets (phía tây Thụy Sĩ), nằm trên độ cao 2.800 mét cho biết: một phần băng phủ ngọn đèo này từ thời La Mã đã tan chảy. và dự đoán, « ngọn đồi sẽ hoàn toàn hết băng từ giờ đến vài ngày nữa », trong khi vào năm 2012 vẫn có khoảng 15 mét băng phủ khu vực này. (theo hãng AFP)
- Còn thượng nguồn sông Thames thì đã bị cạn nước. Con sông dài 350 km bắt nguồn từ chân đồi Costwolds, ở Gloucester, cách không xa xứ Walles. Nơi con sông bắt nguồn hiện nay cách nguồn cũ 8 km do các mạch nước ngầm bị khô hạn. Theo báo The Guardian, tháng 07/2022 là tháng Bẩy khô hạn nhất ở Anh so với 87 năm vừa qua.

Một dãy nhà có vách đắp bằng bùn ở vùng Bắc Ấn, sườn núi Himalaya.
Ở NÚI HIMALAYA, HỌ XÂY NHÀ BẰNG BÙN. Cụ thể hơn là ở vùng Himachal Pradesh, Bắc Ấn, người dân đang rất ưa thích xây nhà bằng bùn, coi như một giải pháp khắc phục biến đổi khí hậu. Có lý và không khó tìm nguyên liệu. Rẻ như bùn, đâu mà chả có bùn. Đang có cuộc vận động xây nhà, dắp tường bằng bùn (tổng hợp tranh, tre, bùn, rạ...những nguyên liệu tại chỗ). Kiến trúc bằng bùn, chống động đất tốt, tạo nhiệt độ trong nhà phù hợp cả mùa hạ lẫn đông. Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm xi măng, cốt thép,..Có bạn trẻ còn ví nhà bằng bùn như cơ thể người, có lỗ chân lông là những lỗ thông gió, thoáng khí và cũng giảm hẵn khí thải carbon để sản xuất các loại vật liệu sắt thép, xi măng là cái.chắc.

Một nhà hoạt động môi trường người Ấn giải thích về lợi ích việc xây nhà vách đặp bùn.
Từ những giải pháp lớn như chống tàn phá rừng, bảo vệ nguồn nước, giảm xả khí thải, cho đến đừng vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm đất, nước của mỗi cá nhân.
Mỗi chúng ta hầu như không vô can. Và cả nền giáo dục cần dạy, nhắc cách hành xử sao cho bảo vệ môi trường như thói quen bình thường, không cần lên gân, lý sự. Huống gì các nhà ní nuận lại hay thản nhiên vi phạm? Chắc chắn chúng ta không vô can, thật thế, phải không bạn?