KIM HANH VU
"ROI VỌT" CỦA BA
“ROI VỌT” CỦA BA
Cuốn sách về ba đã tới hồi cuối của giai đoạn chuẩn bị. Tôi đọc từng dòng chữ các cô chú anh chị viết về ba. Người thì nhắc tới sự quan tâm chân thành của “đại ca. Người thì tha thiết kể về sự chính trực của “quan anh”. Tự nhủ, “quái, không giống lắm với hình tượng của mình về ông cụ.” Ba trong tâm tưởng của tôi có hơi khác một chút. Mà khác như thế nào thì xin gửi vài mẩu chuyện nhỏ dưới đây.

Tiểu học Nguyễn Thái Sơn là trường tôi theo học. Trường có từ thời trước giải phóng, qua nhiều lần đổi tên thì trở thành trường Nguyễn Thái Sơn cho tới tận bây giờ. Trong tất cả các trường tôi học, có lẽ Nguyễn Thái Sơn là trường có sân chơi rộng nhất. Rộng tới nỗi năm lớp 2, chạy giỡn đã đời thế nào đấy, trong lúc đang lêu lêu đám con gái chạy không lại mình, tôi “tông” phải 1 anh lớp lớn hơn. Khi đó bé như cái chun, trán tôi “cụng” vô… hàm răng của ảnh. Thế là tôi tối tăm mặt mày, choáng váng không thấy đường. Tôi chỉ nhớ là nghe tiếng la ó, khóc lóc tùm lum; còn mặt tôi thì cứ thoang thoảng mát. Cô giáo chủ nhiệm của tôi lúc đó tá hoả tam tinh, bằng mọi giá liên lạc được về nhà.
Ba tôi lên, đi cùng với cô giáo qua bệnh viện quận 3, ngay kế bên chợ Tân Định. 1 phần vì đau, 10 phần vì sợ, tôi cứ luôn miệng hỏi con có sao không ba.
Ba tôi thản nhiên trả lời: “Không sao cả, trán con bị mấy con sâu bu vô thôi, lát mấy cô gắp ra là hết.”
Không biết có phiếm trước với nhau không, mà khi xử lý vết thương- bác sĩ y tá ở đó cứ đếm: 1 con sâu, 2 con sâu, giỏi quá, 3 con sâu, sắp xong rồi, 4, 5 con sâu… Đợt đó tôi tét chân mày trái, khâu cũng kha khá số mũi. Ba tôi về nhà thì cứ bình thản cười hề hề. Xong ông cụ bảo dì Sáu đi luộc trứng gà để lăn mắt cho đỡ sưng. Lăn mãi, tôi hỏi: “Ba, trứng gà này ăn được không?” Trong lúc đang ngồi tréo chân coi TV, ba tôi buông gọn lỏn “Được!” Thế là tôi suýt nữa ăn phải trái trứng gà đầy máu bầm nếu không được cản lại. Nhờ công ba tôi cả đấy.
Đến năm tôi lên cấp 2, học Hai Bà Trưng. Năm học nào, ba tôi cũng dẫn tôi đi học. Thầy cô chủ nhiệm ra đón học sinh mới vào lớp đều bảo tôi “quay lại chào ông ngoại vô lớp đi con.” Ba tôi tủm tỉm chẳng hề một lời biện minh. Ban đầu tôi ức lắm, lúc sau thì kệ luôn, cũng cười hề hề. 2 năm đầu trôi qua ít sóng gió. Tới năm lớp 8, có cặp chị em sinh đôi chuyển từ trường khác tới. Tôi thích cô chị, cưa cẩm xong quen luôn năm học đó. Hồi đó làm gì có Internet rồi smartphone thịnh hành như bây giờ. Muốn gọi nhau thì phải nấu cháo điện thoại bàn. Mà “nấu” điện thoại bàn thì thế nào cũng bị phát hiện. Ba mẹ tôi chắc cũng biết, nhưng không ngăn cản gì, chỉ dặn phải lo học. Duy có bố Đăng, ba của Ân, Nghĩa và Trí, em cột chèo của ba tôi là khắt khe chuyện đó.
Có một lần, tôi phạm lỗi gì đó chẳng thể nhớ nổi, bố Đăng lôi cặp vở ra xét. Xui sao! Một lá thư tình bị lôi ra (tôi đang vui cả ngày vì được nhận thư tình, cho tới lúc bị phát hiện). Bố Đăng tính mỗi lần phạt hay đánh đòn. Thế là ba tôi thấy thằng con sắp nhừ tử tới nơi, vội vàng xung phong “Để đây anh phạt nó! Thằng này không đánh cho tới nơi tới chốn không được!” .
Giằng cây roi mây ra khỏi tay bố Đăng, ba tôi quất vào mông tôi tới tấp. Phát nào phát nấy… nhẹ tựa lông hồng. Nhẹ đến mức làm tôi bất ngờ không biết nên “hợp tác diễn xuất” như thế nào. Đánh tới mồ hôi mồ kê nhễ nhại thì đuổi tôi đi học bài đi. Từ lần đó, mỗi khi tôi chuẩn bị “lên đoạn đầu đài” là ba tôi lại giành “quyền” xử phạt. Mãi lâu sau đó, có lần tôi hỏi vì sao ba làm vậy. Ba mới bảo có lần phiếm cho tôi lấy gì đó nhét vào mông để mỗi lần ăn đòn đỡ đau. Ai dè tôi “thật sự ngu ngốc” nhét cuốn tập 200 trang vào (lần đó bị phát hiện và bị xử tới hoa rơi lá rụng) nên là ông cụ quyết định tự xử luôn cho… an tâm.

Cho đến những năm sau này, ông cụ vẫn luôn giữ thói quen “không trung thực” đó. Ai gặp ba lần đầu cũng lè lưỡi nhận xét là một “ông già Nam Bộ khó tính muốn chết.” Ai sống với ba nhiều năm đều biết ông cụ là một người ngoài lạnh, trong nóng. Lúc biết mình bị K phổi, ba tôi thở phào kêu may mà không phải lao, không bị cách ly khỏi gia đình. Sự lo lắng, sợ hãi lại một lần nữa được giấu vào trong để gia đình an lòng. Trong giai đoạn cuối đời, có một lần bệnh trở nặng phải vào viện vài ngày, khi ra viện về nhà thì ông cụ mệt quá thở không nổi. Tôi vẫn cứ bản tính hay đùa nhây béo má ông cụ một cái thế là bị nạt. Tôi hơi sững người rồi dùng dằng bỏ xuống lầu, buông một câu “giỡn chút mà cũng bị la”. Về tới nhà, mở điện thoại thì nhận được tin nhắn từ ba (nguyên văn): “ba thương con lắm, lúc mệt ba có gắt gỏng, lớn tiếng ba xin lỗi con. Ba chúc con khỏi đau nhanh. Ba.” Đó là tin nhắn cuối cùng tôi nhận được từ ba, ngày 02/08/2020. Vẫn kiểu chỉn chu của một ông già Nam Bộ khó tính, không quen xài điện thoại nhưng nhắn tin đầy đủ chủ vị và chấm câu. Cuối tin chưa bao giờ quên ký tên “Ba”.
Có nhiều lần tôi muốn hỏi ba, sao cứ phải giành phần thiệt về mình làm gì. Nhưng nhìn cách ông cụ đi mua đồ từ bà con tiểu thương mà không hề trả giá, thi thoảng lại cho thêm, tôi biết.

Có một huấn luyện viên bóng rổ lão làng của NBA, lúc được hỏi ông cảm thấy gì khi mất vợ (vợ ông qua đời). Ông trả lời: “Chúng ta chỉ mất điều gì khi không biết điều đó đang ở đâu. Tôi không mất vợ, tôi biết bà ấy luôn trong tim tôi.” Ba, con mong ba dù đang ở đâu, sẽ luôn là người “không trung thực” như người ba mà con từng biết. Hai chị, mẹ, con và cả nhà nhớ ba nhiều. Con thương chào ba.
Con Tèo