top of page
  • Writer's pictureKIM HANH VU

NHỮNG NẠN NHÂN CUỐI CÙNG CỦA THẢM HỌA ?

.

“Lên chức” một mạch, một cái vèo từ thành viên nhỏ trong gia đình thành người chủ gia đình mà sao cháu nào cũng kinh hoàng, không hiểu điều gì đã xảy ra, không kịp buồn thảm, âu lo, khi cha, mẹ, ông, bà ra đi vì Covid.


Gia Huy đi học về, thắp nhang cho ba (ảnh bên phải trên bàn thờ) xong là để nguyên đồng phục, nằm lặng thinh trên chiếc võng cạnh bàn thờ


GIA HUY VÀ BÀ NỘi.

Bà nội Gia Huy nói với tôi, tuần rồi cúng 100 ngày cho ba của hai đứa. Đi học về, Huy lặng lẽ thắp nhang cho ba rồi để nguyên đồng phục nằm yên thật lâu ở cái võng cạnh bàn thờ và di ảnh ba. Tôi lén nhìn thấy nó quẹt nước mắt ràn rụa. ..Tình cảnh nhà tôi giờ quá khó: ông nội và ba cháu đều ra đi vì dịch chỉ trong 2 tuần. Khi đến bệnh viện nhận lại đồ đạc tư trang của con trai, bà Kim Hương không bao giờ tưởng tượng được là bà chỉ nhận được cái túi “bao tử” và hai bộ quần áo. Ngoài ra, điện thoại, giấy tờ và tiền bạc đều biến mất. Chỉ dám nghĩ tới chuyện làm lại giấy tờ xe và tiền tuất cho con mà bà chạy khắp nơi, mỗi nơi lại chỉ sang chỗ khác, yêu cầu trích lục với công chứng cứ mỗi lần 30 hay 40 ngày rồi lại quay về điểm xuất phát. Đi xe ôm mãi, có hôm thằng cháu nghỉ học, bà nhờ cháu. Bà nói, ngồi sau lưng tấm lưng to như cái phản của cháu, tôi chảy nước mắt nhận ra cháu tôi lớn nhanh quá. Cái lưng cháu che nắng và bụi cho tôi, vững vàng, thân thương, bây giờ bà nội là người lớn duy nhất còn lại phải ráng không dám bệnh, không dàm buồn bã bi quan để làm chỗ dựa cho 2 đứa cháu hay các cháu là chỗ dựa cho tôi vượt qua chặng đời quá khó sống này.



TUYỀN ĐỊNH. Căn phòng ngụ chung (quá nhỏ để gọi là nhà) của cả nhà Tuyền Định nằm ngay trên trục lộ lớn, chiều ngang chừng 3 mét, dựng đứng hộp diêm lên cao.. . Em không là chị cả mà bây giờ, 17 tuổi, em bỗng thành người chủ gia đình. Người anh của em bị bệnh suyễn năng còn ba em thì sau mấy lần đột quị cũng yếu đau liên miên và 2 em thì còn nhỏ. Khi mẹ còn sống, mẹ em sáng bán hàng ở sạp chợ, chiều đi phụ rửa chén quán ăn, tối bán bún bò tai nhà. Em nói với tôi, giờ tôi sẽ thay mẹ con lo hết. Chỉ mong có việc để làm và đừng có tai nạn nào lớn nữa buộc con phải nghỉ học. Tôi nhìn đôi mắt sáng cương nghị ánh mắt như của người có số tuổi đời 17 của em, tự nhủ, mình sẽ còn gặp cô gái nhỏ này nhiều lần vì tuy em sẽ chủ động gánh cái gánh oằn vai nhưng...làm sao em gánh nổi?


THẰNG BƯỞI. Lối xóm chỉ tay vào khu nhà cuối hẽm, queo lần 1, lần, quẹo tiếp...Vô nhà thấy căn phòng hẹp trống trơn mà sạch bóng. Trái với hình dung của tôi, thằng Bưởi, cái tên bà con trong chợ đặt để gọi em cách thân thương khi mỗi ngày em dọn hàng hành tỏi rồi ngồi phụ bán với bà ngoại ở chợ nhỏ gần nhà, là một chàng trai cao to khỏe mạnh. Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha bỏ đi, em sống với ông bà ngoại. Bệnh tật cướp ông ngoại đi năm ngoái, năm nay, tháng 8, cướp luôn bà ngoại. Năm nay, em phải chuyển qua trường nghề. Trong căn nhà nhỏ 30 m2, em ở với hai người lớn: dì và cậu ruột. Nhưng cả hai đều bị thiểu năng và tâm thần. Hỏi em về tương lai, em nhìn ông cậu ngoài 40 mà ngồi nghịch đất, hiền khô, dạ, con sẽ xong trường nghề nhanh, đi làm nuôi cậu với dì rồi tính tiếp.


CÒN TIẾP, NHỮNG D.B, CD CỦA DANH SÁCH...còn dài danh sách những đứa trẻ bỗng rơi vào nghịch cảnh. Đ.B, học sinh lớp 11 ở TP.Thủ Đức, chỉ trong tháng 8.2021 lần lượt mất cha rồi mất mẹ, giờ phải vừa tư lo bản thân, đi học và chăm anh trai bị hội chứng Down. Còn 2 anh em C.D ở quận Tân Phú (TP.HCM). Mẹ các qua đời vì Covid qua đời đầu tháng 8. Ba các em quá đau khổ, từ đó suy sụp, lặng thinh, câm nín... Rồi đến ngày 5.9, ông tẩm xăng tự vẫn ngay trong nhà, trước bàn thờ vợ. Điều không ai nghĩ đến đã xảy ra, ngay giữa ban ngày...

Những đứa trẻ đang tuổi học tuổi lớn vừa bị cơn cuồng phong khủng khiếp ập xuống, sau những ngày, những tuần ngẩn ngơ không hiểu ý nghĩa của sự mất mát, nay dần hiểu ra. Gánh vai người chủ gia đình khi mới hôm qua còn được mẹ, bà nuôi đi học.

Mỗi cháu những ngày đầu côi cút đã tự tìm nơi nương tưa ở chú cậu cô dì, thầy cô giáo, bạn bè, hàng xóm nhưng rồi vẫn phải tự vươn lên trong vai người chủ gia đình, cam chịu, nhẫn nại và can đảm bước vào cuộc hi sinh còn rất dài. Thương quá, những nạn nhân cuối cùng của thảm họa càn quét khốc liệt quá nhanh, để lại những cảnh nhà lạnh lẽo quạnh vắng.


213 views0 comments
bottom of page