KIM HANH VU
NỖI NIỀM HÀNH TÍM - KIM CHI

Lễ hội (làm) kim chi của người Hàn
Chiều đi làm về, tôi được chị bán cà phê hàng xóm chạy qua cho hủ hành tím ngâm giấm. Ui chao, nhìn hủ hành nghĩ tới...cái bánh chưng và hơn thế nữa...Tôi nghĩ tới tin vắn, món Kim Chi quốc bảo của Hàn Quốc đạt mức tăng xuất khẩu ngoạn mục năm qua với số quốc gia nhập kim chi của họ tăng từ 61 lên 89 nước. Nguyên nhân chính là do tài năng marketing của người Hàn. Mùa dịch bệnh Covid hoành hành, tâm lý người tiêu dùng dễ tin rằng thực phẩm lên men rất tốt cho việc tăng cường hệ miễn dịch. Vậy là các nước thi nhau nhập Kim Chi. Tôi đọc tin đó, phục lăn tài năng siêu đẵng của người Hàn về marketing. Cứ xem họ lan truyền văn hóa dữ dội khắp hành tinh bằng phim và nhạc mà thấy ham. Văn hóa dẫn dắt kinh tế phất lên, xuất khẩu tăng vù vù. Kim Chị và hành tím. Những món lên men, ngâm giấm, làm chua thì kể sao hết ở xứ mình, đâu chỉ có kim chi. Hành tím, hành trắng, củ cải, tỏi, ớt, gừng, kiệu hầu như nhà nào cũng có thể tự làm, tuyệt vời cho chức năng tăng miễn dịch nếu bạn nhắc, nhấn mạnh, nhắc mãi cho tới khi thiên hạ móc túi ra.
Nghĩ cho cùng không gì dễ làm hơn kim chi, xét về mặt nguyên liệu. Cải thảo, bột ớt, giấm (và bí quyết chế biến riêng) nhìn chung khá đơn giản.

Xứ mình cũng “mắc dịch” còn kinh hoàng hơn họ. Cũng ngâp tràn hành tím, tỏi, gừng. Phải nói là tràn đồng. Mà bây giờ sắp Tết, phải chi mình đã tổ chức một chiến dịch cho các loại rau củ gia vị lên men bán mạnh dịp Tết này?
Sáng nay, 13/1, Bộ Nông nghiệp & PTNT có tổ chức tọa đàm thúc đẩy chế biến nông sản. Tuần sau, sáng 18/1, trường cán bộ quản lý nông nghiệp mời “vua sấy và lên men” Nguyễn Lâm Viên nói chuyện và cả hướng dẫn thực hành công nghệ lên men.
Ráo riết mà vẫn đáng tiếc, vì đã vuột mất một cơ hội giúp nông dân ngon hết biết.Tất cả đều có sẵn, nguyên liệu, tài khéo, chỉ thiếu một sự nhạy cảm và bén nhọn trong kinh doanh.
Giả sử như Tết này, ta tính trước, trên cái nền tâm lý chung quá ngán lây nhiễm dịch bệnh, thiết tha tìm cách tăng hệ miễn dịchvừa khuyến khích NÔNG DÂN TRỒNG các loại hành kiệu tỏi gừng sạch, cùng lúc tổ chức một số HỘI THẢO KHOA HỌC mời nhiều nhà y sinh, sinh học phân tích về tác dụng của các món rau gia vị lên men làm tăng hệ miễn dịch, cùng lúc, các chuyên gia ẩm thực mở lớp DẠY THỰC HÀNH các món ngâm giấm, làm dưa, muối chua để ăn dịp Tết. Và đội ngũ TRUYỀN THÔNG TIẾP THỊ thi thố đủ chiêu gợi thích, gợi thèm, rủ thiên hạ chuẩn bị móc hầu bao.

Nào tỏi, kiệu, hành tím, hành trắng, gừng, ớt, giá, hẹ... mỗi món nguyên liệu đều sạch, tươi, giá thật mềm, lại ngon, thơm, đậm đà từng vị đặc sắc với tài khéo của các chị các cô nhà mình, cùng với nhiều nhà máy cũng chế biến nửa công nghiệp, thì sản lượng đủ lớn, đủ để tung hàng từng đợt giòn giả mùa Tết khi dịch dả vẫn còn có mặt ở miền Tây nhất là ở Hà Nội. Từ một “chiến dịch” lớn, vừa chăm lo sức khỏe người dân vừa ủng hộ người trồng hành kiệu, chúng ta tiếp tục suy nghĩ xem Covid còn mang lại ...cơ hội nào nữa....
Một điều tiếc rẻ tuy nhỏ mà lẩn quẩn trong đầu tôi mấy hôm nay. Mình cứ hô khẩu hiệu hãy chế biến đi, làm gia tăng giá trị nông sản, hãy tìm cách xuất chính ngạch sang Trung Quốc, cùng với những phân tích chí lý và cứ nói mãi, nói mãi. Quên nhìn ngay trên mâm cơm mình, ngay trên trang báo hàng ngày.

Bạn còn nhớ Lee Young Ae không, vai chính trong phim "Nàng Dae Yang Gum" đó, phim quảng bá ẩm thực thành công dẫn dắt theo các thành công trong xuất khẩu...
Cách người Hàn rao bán Kim Chi mỏi miệng mỏi tay quanh tâm lý sợ lây nhiễm, cần tăng miễn dịch vì Covid, cách người Pháp gia tăng xuất khẩu, bán cho nhu cầu nổ sâm banh mừng năm mới sau bao ngày thiên hạ bị nhốt trong nhà...
Yêu sản phẩm mình nhiều hơn, sục sạo truy tìm cơ hội năng động hơn, phối hợp nhiều “binh chủng” trên chuỗi sáng tạo trong ý tưởng để tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối kiên trì, bài bản, chúng ta sẽ tận dụng được nhiều cơ hội hơn để phục hồi kinh tế.