KIM HANH VU
MỘT KHOẢNH KHẮC VUI...
Updated: Feb 19, 2022
Tôi chưa một lần được gặp Gia Hy. Còn ông bạn của tôi thì đã gặp Gia Hy được 2 lần, một lần ở nhà em và một lần ở trường Hy Vọng ở Đà Nẵng, của tập đoàn FPT, trường nhận chăm sóc các cháu mồ côi từ cấp 1 đến cấp 3. Bạn tôi, nhà báo Lê Anh Đủ kể là khi vừa nhìn thấy anh, Gia Hy đã nắm tay dì kêu lên, dì ơi, đây cái chú này, bạn của mẹ con nè.
Cái chú "bạn của mẹ Gia Hy" thực ra đâu có quen biết gì mẹ Hy, đúng hơn, chưa gặp lần nào. Mẹ Hy giờ là người thiên cổ rồi. Chị ấy là nhân vật trong bài tôi đã viết ở blog này, ngày 4/1/2022, tựa là “Khi mẹ và ông bà ngoại cùng ra đi chỉ trong một tháng”. Gia Hy gọi vậy vì có lần, bạn Đủ phải giả làm bạn của mẹ Hy để cùng gia đình gặp đại diện của trường Hy Vọng đến thăm nhà. Chiều hôm đó, Hiệu trưởng Hoàng Quốc Quyền đến nhà tìm hiểu về gia cảnh của Hy còn dì và dượng Hy thì chấp nhận cho đại diện “Vòng Tay Việt” đóng vai bạn của mẹ Gia Hy, tức là người nhà, để cùng nhau “dò xét” về trường. Sau một thời gian, Hy vui vẻ đồng ý vào trường, xa nhà, xa tất cả người thân và hôm gặp này, cách đây 10 ngày, là ngày đầu tiên trường đón 35 bạn trẻ mô côi vì Covid từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai về nhập học, mỗi cháu đều đi với thân nhân của mình.

Tôi nhìn bức ảnh Hy cười vui ở trường, tự nhiên thấy cảm động như chính mình được an ủi nhiều. Bao lâu nay trong tôi tràn ngập nỗi xót xa, ái ngại khi nghĩ đến tình cảnh Gia Hy cứ lặng lẽ buồn, câm nín, mắt nhìn vô định về xa xăm, lâu lâu lại bật trang FB cũ của mẹ, trò chuyện nho nhỏ, như lời kể của dì Linh với tôi, sau đôi lần bắt gặp. Mẹ của Gia Hy chỉ có hai chị em ruột và dì Linh là em. Chỉ trong tháng 9/2021, Gia Hy mất ba người thân yêu nhất vì Covid: ông – bà ngoại và mẹ. Bàng hoàng, không kịp hiểu sao mình trơ trọi, bơ vơ. Căn nhà lầu mấy tầng trước đó chỉ có 4 người sống với nhau êm ấm, dù ba Hy đã bỏ đi mất tăm khi em mới vài tháng tuổi, mẹ Hy làm công nhân, ở vậy nuôi con cùng mái nhà vơi cha mẹ. Nay căn nhà vắng lạnh, dì dượng của Gia Hy không an lòng, gấp rút đón em về nhà. Và trong cái vũ trụ trĩu nặng thảm buồn ở nhà dì, mỗi người theo đuổi nỗi đau riêng. Thật mà. Tôi vừa đọc thấy đoạn viết này của dì Linh của Gia Hy trên zalo.
“Bất kể lúc nào hay bất cứ nơi đâu, cảm giác buồn bã luôn chực chờ tấn công chúng ta. Nó đến dưới muôn hình vạn trạng, từ một câu nói, một giai điệu cho đến một đoạn ký ức hiện lên trong vô thức. Nhưng mỗi lúc như vậy, không lẽ ta chỉ đơn giản ngồi sụp xuống và bật khóc?. Khi nỗi buồn tưởng chừng sắp dâng trào và chẳng thể ngăn nổi dòng nước mắt, tôi cố hết sức nín thở. Giống như nhấn nút “dừng lại” vậy, cách này công hiệu đến kỳ lạ, song tôi lại có cảm giác nỗi buồn đầy ứ ấy đang bị khóa chặt trong lòng mình, vĩnh viễn chẳng thể trút ra.
Dẫu tôi của hiện tại có muốn quay trở lại ngày ấy đi nữa, thì chắc hẳn cũng không thay đổi được điều gì. Bởi dù có dang rộng đôi tay và ôm mẹ vào lòng, vẫn sẽ có những phút giây tôi chẳng thể xoa dịu trái tim bà. Ai cũng mang trong lòng những nỗi đau như vậy mà sống. Nghe thật tàn nhẫn, nhưng phải chấp nhận hiện thực ấy, con người ta mới có thể tiếp tục tồn tại trên thế gian này”.
Lâu rồi, mấy tháng trước, khi tôi tìm nhà Gia Hy thì chỉ gặp một căn nhà trống với tấm bảng treo “Nhà cho thuê”. Lần theo số điện thoại liên lạc ghintre6n bảng, tôi làm quen với dì dượng của Gia Hy, sau đó, chia sẻ hoàn cảnh làm giấy tạm trú cho em rất khó khăn, rồi làm thủ tục để chính thức nhận giám hộ cho đứa cháu mồ côi tội nghiệp cũng không xong, đành buông tay chịu thua...
Tôi học được biết bao bài học về lòng trắc ẩn trước những cảnh đời bi thảm và thấy nó khác một trời một vực với những lời kể lể thương tâm trên báo. Nên khi nghe là Gia Hy bằng lòng chịu rời xa nhà dì dượng đi học rất xa, khi từ nhỏ chỉ sống với ông bà ngoại và mẹ, trong lòng tôi vẫn có gì đó âu lo...

Nay thì có ...Hy Vọng. Tôi nghĩ nhiều về cái tâm của những người sáng lập và phụ trách trường, về càch mà nhà trường đi thăm từng gia đình, thuyết phục từng người thân, tổ chức không gian sống và học hành chu đáo đến chọn bảo mẫu của các cháu nhỏ nhất, lớp 1, là người miền Nam để giọng nói và cách nấu ăn cho cháu hợp hơn, cho đến cách bố trí mỗi phòng ở hai cháu một lớn một nhỏ để dắt dìu nhau.
Bạn Đủ của tôi cũng tham gia đoàn thân nhân đưa các cháu đi nhập trường xa (và đến lúc đó, Gia Hy vẫn chưa biết câu chuyện chú Đủ đến nhà, được dì Linh của mình giới thiệu là bạn của mẹ, chỉ là "nhập vai" để gặp ông hiệu trưởng cho tự nhiên thôi). Bạn Đủ kể, có nói chuyện với Gia Hy và cuối cùng tôi chú ý câu nói của em : “Con không ngờ là có những em bé còn rất nhỏ mà cũng mất hết cha mẹ và vào trường này. Con tự thấy mình có trách nhiệm với các em nhỏ”.

Gia Hy ngồi hòa vào với các bạn, các em nhỏ trong bửa cơm chung...
Tôi vui nhìn thấy ảnh Gia Hy cười. Nhưng khi nghe câu Gia Hy nói, tôi mới thật là mừng.
Gia Hy vượt qua được nỗi buồn trầm uất và đã “sống lại” , thấy mình có trách nhiệm với mấy đứa em nhỏ bất hạnh hơn mình, là Gia Hy đã bình tĩnh lại, đã an yên hơn, đã lớn.
Năm tháng sẽ trôi qua. Tinh thần trách nhiệm tự nhiên sẽ nuôi em lớn nhanh hơn. Liều thuốc thời gian và sức mạnh của lòng yêu thương đã nuôi sống lại một chàng thanh niên vừa lớn, từng có lúc thê lương muốn quỵ ngã trước nỗi đau quá nặng.