top of page
  • Writer's pictureKIM HANH VU

GÓT ACHILLE CỦA “PHÁO ĐÀI NGA” SAU ĐÒN TRỪNG PHẠT



Thương hiệu Mc Donald nay đã rút 850 cửa hàng khỏi Nga. Ảnh Reuters

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga. Nhà báo Shelby Holliday của Wall Street Journal đã đi sâu tìm hiểu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt này đến nền kinh tế và NTD Nga trong bài sau đây.

Sau khi chiếm Crimea vào năm 2014, Nga đã lên một kế hoạch lớn được giới quan sát gọi là “Pháo đài Nga”. Việc xây dựng Pháo đài Nga được cho là tự túc kinh tế nhằm bảo vệ đất nước khỏi các lệnh trừng phạt. Thực thế, Nga đã dành nhiều năm cố gắng cắt bỏ hàng hóa nhập khẩu , đề phòng thiệt hai trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng đến nay kinh tế Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

LẠI TIẾP TỤC ĐỢT ĐIỀU CHỈNH KINH TẾ LỚN LAO

Giờ đây, tác động của các lệnh trừng phạt được áp đặt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã mỗi ngày cho thấy rõ ràng hơn rằng những nỗ lực của Moscow đã không có kết quả. Việc Nga tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu đồng nghĩa với việc nước này đang phải đối mặt với một đợt điều chỉnh kinh tế lớn và đau đớn.

Các bộ phận của ngành công nghiệp ô tô của Nga đang ngừng hoạt động vì thiếu các bộ phận nước ngoài. Máy bay phản lực tự chế để vận chuyển hành khách hàng đầu của quốc gia này vẫn phải nhận động cơ và các bộ phận quan trọng khác từ các nhà cung cấp nước ngoài. Thức ăn cho vật nuôi và thuốc ngoại đã biến mất khỏi các kệ hàng.

Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện “Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức” cho biết: “Việc thay thế nhập khẩu đã không đạt được mục tiêu là làm sao cho Nga ít bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt như thế này. Tham vọng của Nga là viển vông bởi vì một nền kinh tế nhỏ như Nga không thể tự sản xuất những hàng hóa phức tạp và công nghệ cao. Nóí đơn giản là không thể. Việc thay thế các sản phẩm nước ngoài đó có thể mất nhiều năm”.

Thay thế nhập khẩu là thay thế hàng ngoại bằng hàng tự sản xuất. Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế cho rằng việc xây dựng mọi thứ trong nước là tốn kém và không hiệu quả, nhưng Điện Kremlin rất quyết tâm với kế hoạch này.

Và bây giờ người ta thấy rằng sự phụ thuộc của Nga vào nhập khẩu thực sự trở nên tồi tệ hơn trong những năm qua. Cần chú ý các con số khảo sát sau đây vào năm 2021: khoảng 81% nhà sản xuất cho biết họ không thể tìm thấy bất kỳ phiên bản Nga nào của các sản phẩm nhập khẩu mà họ cần. Hơn 50% không hài lòng với chất lượng hàng hóa được sản xuất cây nhà lá vườn. Cả hai con số này đều là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi cuộc khảo sát của Viện Chính sách Kinh tế Gaidar của Nga bắt đầu vào năm 2015.


Thương hiệu thời trang Uniqlo là hàng nhập khẩu được ưa chuộng ở Nga, lúc đầu cũng định tiếp tục ở lại phục vụ dân Nga, nay cũng đã tuyên bố sẽ rút đi vì áp lực. Ảnh Reuters


Năm 2020, hàng nhập khẩu chiếm 75% doanh số hàng tiêu dùng phi thực phẩm bán ra trên thị trường bán lẻ của Nga, theo một nghiên cứu của Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow. Trong một số lĩnh vực, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, lên tới 86% đối với thiết bị viễn thông, nghiên cứu cho thấy. Nhập khẩu bằng khoảng 1/5 GDP vào năm 2020, so với 16% ở Trung Quốc và cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Ấn Độ và Brazil.


NHỮNG LÃNH VỰC NÀO GẶP KHÓ KHĂN LỚN NHẤT?

Các nhà sản xuất ô tô của Nga đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu các loại linh kiện phải nhập khẩu như chip máy tính. Hôm thứ tư tuần qua 15/3, lãnh đạo khu vực Tatarstan của Nga đã cảnh báo trong một nhận xét trên truyền hình rằng nhà sản xuất xe tải Kamaz đang phải đối mặt với sản lượng sụt giảm tới 40% và khoảng 15.000 nhân viên của họ có thể phải nghỉ việc cho đến khi các vấn đề về chuỗi cung ứng của công ty được giải quyết.

Đặc biệt, các sản phẩm công nghệ nằm trong số những mặt hàng quan trọng nhất bị cắt bỏ bởi lệnh trừng phạt, bao gồm chất bán dẫn, máy tính, laser và cảm biến. Trong khi đó, đồng rúp giảm giá mạnh, làm tăng giá những hàng hóa khác mà Nga còn có thể nhập khẩu.

Một lĩnh vực rủi ro cao khác đối với Nga là ngành năng lượng của nước này. Nga phụ thuộc vào công nghệ phương Tây cho hoạt động các mỏ dầu và khí đốt già cỗi của mình. Các nhà phân tích cho biết các lệnh trừng phạt trước đó đã buộc các công ty năng lượng của Nga phải trì hoãn hoặc hủy bỏ nhiều dự án khi mà khi công nghệ trong nước thường không đủ khả năng.

Cho đến tháng trước khi bị cấm vận, Nga đã có nhiều cố gắng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Nay tự tháo gỡ khỏi chuỗi cung ứng quốc tế sẽ là một quá trình chậm chạp và khó khăn.

Tổng thống Nga Putin đã thừa nhận những khó khăn phía trước: “Nền kinh tế của chúng ta sẽ cần những thay đổi sâu sắc về cấu trúc trong thực tế mới hiện nay và tôi sẽ không giấu giếm điều này — chúng sẽ không dễ giải quyết”, ông Putin nói hôm 15/3/2022.

Các quan chức Nga vẫn lạc quan nói rằng các công ty trong nước sẽ được hưởng lợi từ tình hình này. Thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina cho rằng khi bắt buộc tự sản xuất thì doanh nghiệp có thể có lợi nhuận tốt hơn nhâp khẩu trước đây.dù bà cũng nhìn nhận Nga sẽ phải trả giá, bao gồm cả nạn lạm phát gia tăng.

Trong các sản phẩm công nghệ, một số loại sản phẩm nhập khẩu đã được tích hợp sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp như các phần mềm của phương Tây, hiện nay có tới 90% các ngân hàng và công ty Nga đang sử dụng.

Các chuyên gia công nghệ nhấn mạnh: “Có thể thay thế các mặt hàng công nghệ thấp như đường ống, những thứ không đòi hỏi nhiều bí quyết và đầu tư vào R&D. Nhưng bất cứ thứ gì là công nghệ cao thì Nga vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ phương Tây, phần mềm phương Tây, bí quyết phương Tây.”

Ngay cả những dự án mà Điện Kremlin tập trung làm hồi sinh công nghiệp Nga như chế tạo máy bay dân dụng, cũng tỏ ra phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Như với Sukhoi Superjet 100, được công bố vào năm 2007 chẳng hạn. Đến nay, các quan chức Nga cho biết khoảng một nửa chi phí cho các bộ phận được sử dụng để chế tạo Superjet là phải nhập khẩu. Ví dụ một thực tế đáng lo: Công ty hàng không vũ trụ Pháp Safran SA — đơn vị sản xuất động cơ, bộ thiết bị hạ cánh và vỏ động cơ của máy bay phản lực — cho biết họ sẽ ngừng mọi hoạt động ở Nga vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các quan chức cho biết, có thể đến 2024 Nga mới tự sản xuất được hàng loạt.

Các biện pháp trừng phạt cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng quen sử dụng các sản phẩm nhập khẩu. Svetlana Ryabova, 36 tuổi, cư dân Moscow, người giúp điều hành chương trình cứu hộ mèo hoang, cho biết thức ăn và thuốc cho vật nuôi nước ngoài ngày càng khó tìm. Một số nhãn hiệu như Monge đã biến mất khỏi các cửa hàng và các loại vắc xin như Nobivac và Purevax - đều do các công ty dược phẩm nước ngoài sản xuất - đang khan hiếm nguồn cung, bà nói.

Cô Ryabova hy vọng các nhà sản xuất trong nước sẽ bù đắp được khoản thiếu hụt. “Tất nhiên là dần dần chúng ta cũng sản xuất được, nhưng mọi người đang hoảng sợ và mua gom hết mọi thứ,” cô nói.

Nga đã khởi động kế hoạch thay thế nhập khẩu bằng cách cấm nhập khẩu nhiều thực phẩm của phương Tây. Phô mai Pháp, giăm bông Tây Ban Nha và các món ngon khác được giới thượng lưu thành thị giàu có của đất nước đánh giá cao nay đã biến mất khỏi các kệ hàng. Động lực thay thế nhập khẩu sau đó đã mở rộng sang các ngành khác, bao gồm cả y học và công nghệ.

Từ năm 2015 đến năm 2020, các nhà chức trách đã phân bổ hơn 2,9 nghìn tỷ rúp, tương đương 27 tỷ USD, cho chương trình thay thế nhập khẩu, tương đương 1,4% chi ngân sách trong giai đoạn này.

Nhưng chính sách này đã không thúc đẩy nền kinh tế Nga, vốn đang phải hứng chịu tác động kép từ các lệnh trừng phạt và giá dầu thấp. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của nước này chậm hơn mức trung bình thế giới kể từ năm 2014 và người Nga nghèo hơn so với trước khi Crimea sáp nhập: vào cuối năm 2020, thu nhập thực tế đã giảm 9,3% so với mức năm 2013.

Trong khi Nga ghi nhận một số thành công, bao gồm sự phát triển của ngành công nghiệp sữa và thịt, lệnh cấm nhập thực phẩm đã đẩy giá lên cao, khiến người tiêu dùng thiệt hại 445 tỷ rúp, tương đương 4,1 tỷ USD mỗi năm, theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Kinh tế Mới của Nga .

Một vấn đề lớn là Trung Quốc. Đã là một đối tác thương mại lớn của Nga, Bắc Kinh có thể thay thế Mỹ và châu Âu trở thành nhà cung cấp nhiều hàng hóa. Nhưng bây giờ Trung Quốc cũng phải tỏ ra thận trọng vì có thể gây nguy hiểm cho quan hệ Trung quố và phương Tây. Trung Quốc cũng không sản xuất được một số chip và các sản phẩm công nghệ khác mà Nga cần.

Dù sao, khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, các nhà lãnh đạo Nga đã rất cố gắng ca ngợi nền kinh tế Liên Xô: “U.S.S.R. thực sự sống dưới các lệnh trừng phạt, phát triển và đạt được thành công to lớn,” ông Putin nói hồi đầu tháng. Những người khác không đồng ý. Có chuyên gia nói thẳng “Nền kinh tế Nga bây giờ còn sơ khai hơn đáng gía đó nhiều”.

(NTT lược dịch từ bài Russia’s Push for Self-Sufficient Economy Fails Before Western Sanctions của WSJ ngày 20-3-22)


187 views0 comments
bottom of page