KIM HANH VU
CUỘC GẶP GỠ LẠ THƯỜNG: HẦU CHUYỆN 2 SỬ GIA HƠN 100 TUỔI .
Updated: Aug 23, 2022

Cuộc trò chuyện của 2 nhà Sử học NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU và NGUYỄN ĐÌNH TƯ diễn ra sáng nay, thứ bảy, 20/8 tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hai cụ đều đã hơn 100 tuổi (trên giấy tờ đều sinh năm 1920, đã đại thọ 102 tuổi). Hai cụ minh mẫn, thẳng thắn mà còn “duyên dáng” trong cởi mở nữa, trời ạ. Như cụ Nguyễn Đình Đầu nói, tôi sinh ra ở phố Hàng Giấy Hà Nội; nơi này xưa có nhiều tiệm hát Cô Đầu. Nên các cụ nhà tôi đặt tên tôi là…Đầu. Tôi thân với cụ Tư, không có họ hàng, không hiểu sao cũng có họ và chữ lót là Nguyễn Đình, bây giờ ghép tên hai chúng tôi thì thành…ĐẦU TƯ, cũng là "thời sự" ấy chứ. Tường thuật cuộc gặp, kiểu báo chí thì Tuổi Trẻ đã có bài, nói về tiểu sử hai cụ rất công phu thì đã có FB nhà nghiên cứu Mạc văn Trang. Tôi chỉ xin ghi lại vài câu trò chuyện thắng thắn và thú vị, thể hiện tình yêu Sử, yêu nước và yêu dân với cả sự nghiệp đồ sộ gần 100 năm cống hiến không ngơi nghỉ hiếm thấy trên đời.
Người dẫn chuyện là Tiến sĩ Sử học Bùi Trân Phượng, cũng là một nhà giáo thông thái, rất chuyên nghiệp về đối thoại những vấn đề nặng chuyên môn mà thật đời thường. Sau đây là mấy câu hỏi đáp tôi thấy nên kể.

1/. Làm sao nuôi được tình yêu Sử gần trăm năm như vậy, thưa hai cụ?
-Cụ Nguyễn Đình Tư. Ghi chép và kể lại lịch sử là niềm say mê của tôi, kể cả khi phải kiếm sống nhọc nhằn như ngồi sửa xe ngoài đường. Vắng khách thì tôi viết. Như hồi sau 1975, thành phố đổi tên 100 con đường. Rất nhiều tên đường mới là tên các cán bộ trong chiến khu, người TP không biết. Lại không có kèm tên cũ, những người nghèo như xích lô, xe ôm khó lắm để đưa đón khách. Vậy là tôi lấy cái xe đạp mini, chạy khắp quận huyện TP, từng ngõ hẽm thu thập tư liệu. Công trình nhỏ tôi gửi cho Uỷ ban TP, được Hội Sử học thẩm định và in thành sách, cũng giúp được nhiều người dân TP.
-Cụ Nguyễn Đình Đầu. Những người yêu Lịch sử thì thường tìm đến gặp nhau để nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước. Ở TP HCM, phong trào yêu nước rất mạnh. Cuộc gặp gỡ hôm nay chứng minh điều đó. Tình yêu Sử đưa chúng ta đến với nhau đây...

2/Trong việc đổi tên đường, vì sao cụ Nguyễn Đình Tư đề xuất có tên đường Hoàng Sa và Trường Sa?
-Cụ Nguyễn Đình Tư. Lúc đó là vừa xảy ra vụ Gạc Ma. Người Việt chúng ta, ai cũng thấy, Trung Quốc bao giờ cũng muốn thôn tính nước ta . Hành động của họ thường không quang minh chính đại. Tôi muốn đặt tên đường để nhắc các thế hệ sau, các bạn trẻ luôn nhớ tới đất đai ông cha mình bị tạm chiếm mà lấy lại. Đừng quên.
3/Hai cụ nghiên cứu lịch sử suốt thời gian rất dài, thì tâm thế trong cách đọc và viết Sử theo thời gian có thay đổi không?
-Cụ Nguyễn Đình Đầu. Tôi thấy có sự thay đổi chứ. Trước kia, đánh giá về vua Gia Long rất nặng nề: bán nước, nhiều tội thậm tệ nhưng nay đánh giá lại thì công lao quá lớn. Các cấp lãnh đạo cao cũng dần nhìn lại. Ngay như sinh nhật 100 tuổi của tôi mà ông bí thư và chủ tịch TP tự nhiên đến nhà chúc mừng, cũng là bày tỏ sự trân trọng trí thức hơn.
4/Các cụ nghĩ gì về tình hình thế giới hiện nay?
Cụ Nguyễn Đình Đầu: Tôi thấy thế giới đang lâm nguy. Cứ doạ đánh vũ khí nguyên tử là thấy nhân loại bị đe doạ diệt vong. Tôi hình dung, trên mặt đất, nhiều nuớc, các dân tộc đang chuyển động rất nhiều hướng. Đang có nhiều đàn kiến bò đủ hướng, nhưng cuối cùng, nhìn kỹ, bao giờ đàn kiến đang hợp lực kéo về tổ vẫn là đông nhất, mạnh nhất. Sức mạnh của sự thay đổi và tiến bộ sẽ thu hút những đàn kiến đi lạc lung tung trở về. Lực lượng bảo vệ hoà bình phải hợp lực cùng nhau, mà phải với lòng khoan dung mới sống chung được. Đó là niềm tin và xác tín của tôi.

3/Có sự thật lịch sử nào mà hai cụ chưa thể công bố?
-Cụ Nguyễn Đình Đầu. Thông thường các công trình của tôi đều được in và phát hành. Hiện chỉ có cuốn sách tôi viết về cụ Trương Vĩnh Ký là đang được yêu cầu sửa lại , tạm thời dừng phát hành. Tuy nhiên khi lệnh ngưng phát hành đến, thì sách tôi in 2.000 cuốn đã phát hành gần hết, chỉ còn lại 7 cuốn. Ai đã có cuốn sách ấy cũng đừng lo là mình giữ sách cấm. Chỉ là phải sửa đổi lại chi đó...
4/Khi viết sách Sử, gặp vấn đề hay nội dung nhạy cảm thì hai cụ giải quyết ra sao?
-Cụ Nguyễn Đình Tư. Với tôi, nghiên cứu phải khách quan, tôn trọng sự thật, cái tốt mình khen, cái xấu mình chê. Hỏi tôi viết sử có gì khó nhất, tôi nói, đó là khi đụng vấn đề chính trị. Vì nói đúng sự thật lịch sử, có khi đụng chạm đến người đương thời. Mình phải thận trọng, phải lách thì mới in được. Ví dụ, chuyện "Cải cách ruộng đất" miền Bắc xảy ra thì ở miền Nam cũng có "Cải cách điền địa”. Mục đích khi nói ra thì như nhau nhưng cách làm thì khác nhau. Nhưng tới giờ cũng chưa thể so sánh được…
-Cụ Nguyễn Đình Đầu. Có nguyên tắc phải “coi chừng” khi viết lách. Nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thì phải coi kỹ, đừng va chạm nguyên tắc này. Có nhiều cách trình bày sự thật lịch sử, đôi khí phải lách mới xuất bản được. Tôi thấy trước kia không có truyền thông, mạng xã hội thì khó hơn. Bây giờ, các công cụ, phương tiện có nhiều, người dân có điều kiện theo dõi sâu rộng, thì sự thật trước sau gì cũng sẽ phơi bày thôi...
5/Bí quyết sống lâu, sống khoẻ của các cụ là gì ạ?
-Cụ Nguyễn Đình Tư: Một là: Chịu khó vận động, tập luyện. Mỗi sáng, tôi vận động cơ thể 45 phút. Chiều thì thường đi bộ. Nhưng ra đường lúc này, vĩa hè hẹp, xe cộ quá đông, thế là tôi…leo cầu thang, 36 bậc, mỗi bận 20 lần. Hai là: Ăn uống thì đừng bao giờ ăn no, chỉ đến gần no là dừng. Không rượu, cà phê, thuốc lá. Và ba là: Giữ tinh thần thanh thản, không Ngã chấp, tham sân sị. Hiện giờ tôi sống thư thái, đi lại khoẻ re…