top of page
  • Writer's pictureKIM HANH VU

CHUYỆN “DÌ GHẺ CON CHỒNG” CỦA CA SĨ NỔI TIẾNG BẠCH YẾN

Trong cáo phó lễ tang của giáo sư Trần Quang Hải, tôi đọc thấy một dòng ghi: Con gái- Trần Minh Tâm cùng tên chồng (người Pháp) và con trai cô Minh Tâm.

Nhân dư luận sôi sục tuần qua về thảm nạn “dì ghẻ con chồng” tôi xin kể chuyện Ca sĩ Bạch Yến làm dì ghẻ.

Năm 1978 khi tham dự một đại nhạc hội tại Pháp, Bạch Yến tình cờ gặp một người đàn ông dắt theo một bé gái nhỏ. Nhạc sĩ Trần Quang Hải lúc đó đã ly dị vợ và có một con gái 5 tuổi còn Bạch Yến tuy đã bước sang hàng băm, là một ca sĩ tiếng tăm nhưng… vẫn độc thân. Buổi hẹn hò sau 24 giờ hội ngộ không ngờ lại tạo nên mối lương duyên đẹp hơn 35 năm (họ cưới nhau ngày 17/6/1978 tại Paris) cho đến khi ông Trần Quang Hải chia tay vợ con ra đi.

Khi nhận lời lấy nhạc sĩ Trần Quang Hải, ngay cả Bạch Yến cũng không thể biết cuộc hôn nhân bất ngờ này lại mở ra nhiều thay đổi trong cuộc sống lẫn sự nghiệp của bà.

Từ một ca sĩ chuyên hát tân nhạc, Bạch Yến bắt đầu “cảm” nhạc dân tộc. Trong hơn 30 năm qua, bà đã cùng chồng đi khắp thế giới để giới thiệu nhạc dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đó cũng là “chất keo” gắn bó hai tâm hồn lại với nhau. Bà nói: “Chúng tôi có mối tình rất lớn nhưng không phải tình đôi lứa mà là tình với âm nhạc". Nhờ tình yêu âm nhạc Việt thăng hoa mà tình vợ chồng giữa họ càng gắn bó hơn.

Trong cuộc sống, ca sĩ Bạch Yến dần thích nghi với vai trò của một người vợ, chăm lo nhà cửa, học những món ăn thuần Việt và đặc biệt là làm tròn vai trò một người mẹ với con riêng của chồng.



Suốt mấy chục năm qua, bà đã dành hết tình thương yêu cho con gái của chồng.

“Điều tôi tự hào nhất là dù sống ở nước ngoài nhưng tôi vẫn giữ cho cháu nói và viết tiếng Việt rất chuẩn. Ngay cả những từ láy, từ lóng cũng biết luôn. Không phải mẹ đẻ nên có thể tôi vẫn còn nhiều khiếm khuyết nhưng tôi quan niệm mình thương cháu thực sự thì cháu sẽ thương lại mình”, bà chia sẻ.

Thời gian rảnh, bà và chồng còn làm thơ, vẽ tranh tặng nhau. Người xướng, người họa, khi thì thơ tứ tuyệt, lúc làm thơ lục bát và giờ bà đang tập làm thơ thất ngôn bát cú.

Trong chuyến về Việt Nam tham gia liveshow Sol vàng, Bạch Yến kể “Chồng khuyên tôi làm đi vì cứ đi diễn hoài, không biết khi nào mới có được một liveshow trên quê hương. Còn tôi thì nói vui với chồng rằng dù bận thế nào anh cũng ráng về tham dự nếu không người ta nói mình đã BỚT THƯƠNG NHAU rồi” (Cười).



Và đây, chúng ta gặp cô gái nhỏ 5 tuổi ở Việt Nam sau 30 năm sống dưới “ách” của bà dì ghẻ, ca sĩ Bạch Yến: cô dành nhiều thời gian về nhà đi thăm người lớn trong gia đình và bạn bè của ông nội, của ba để viết sách về văn hóa ẩm thực Việt.

Tháng 6 năm 2016, cuốn sách giới thiệu « 150 món mì của người châu Á » lần đầu tiên xuất bản tại Pháp của 3 nữ tác giả: Trần Minh Tâm, Chihiro Masui (Nhật Bản) và Margot Zhang (Trung Quốc) ra mắt, gây chú ý về văn hóa ẩm thực.

Ba tác giả đến từ 3 quê hương khác nhau là Việt Nam, Nhật và Trung quốc, gắn kết với nhau qua...những sợi mì. Họ đều thích khám phá các món ăn và bắt đầu kể những câu chuyện hết sức đặc trưng thú vị về mì.



Phần giới thiệu về mì và bún của Việt Nam của tác giả nữ Trần Minh Tâm tạo được ấn tượng độc đáo thông qua hình ảnh, lời chú thích cũng như cách dẫn nhập vào câu chuyện để bạn bè quốc tế biết rõ hơn về các món ăn như bún mộc, miến gà, bún cá, bún bò Huế, hủ tíu mì, bún măng vịt, bánh canh cua, phở bò, bún chả Hà Nội, hủ tíu khô, mì Quảng…

Tác giả Minh Tâm chia sẻ khi giới thiệu về quyển sách: « Chính nét đặc thù mang tính phong phú của thế giới mì vô tận đã làm nên điều khác biệt giữa các quốc gia, đồng thời gắn kết chúng tôi lại với nhau xung quanh món ăn phổ biến: mì. Sợi mì muôn năm ...

Sinh ra và lớn lên tại Pháp, Trần Minh Tâm (con gái của GS-TS Trần Quang Hải, cháu nội của GS-TS Trần Văn Khê) về Việt Nam lần đầu lúc bà 35 tuổi để nghiên cứu tất cả món ăn Việt Nam từ Nam ra Bắc. Cô từng học nhạc ở Đại học Sorbonne nhưng sau này chuyên nghiên cứu và giới thiệu những món ăn thuần Việt.

Bài báo điểm cuốn sách của tác giả Thanh Hiệp mà tôi trích đây còn cho biết thêm, theo lời kể của GS-TS Trần Quang Hải. “Quyển sách này cũng như món quà ý nghĩa kính dâng lên ông nội (cố GS-TS Trần Văn Khê) nhân kỷ niệm 6 năm ngày mất và hướng tới 100 năm ngày sinh của ông . Minh Tâm đã về Việt Nam, chịu khó tìm gặp những người lớn trong gia đình để hỏi thăm về cách chế biến các món ăn của người Việt Nam. Từ lâu rồi, Minh Tâm ôm ấp hoài bão thực hiện quyển sách ghi chép đầy đủ về các món ăn mang nét đẹp văn hóa của mỗi vùng miền trên quê hương mình.”



Tình yêu quê hương qua công phu đi tìm những nét đẹp văn hóa của vùng đất mà ông nội cô, cha và cả người mẹ kế luôn đau đáu tìm về, rõ ràng đã được thể hiện rất tự nhiên, bình dị. Tình yêu đó được nuôi dưỡng trong cô từ tấm bé, trong một gia đình yêu nghệ thuật, yêu quí trân trọng nhau và cùng nâng niu tình yêu quê nhà, từ cuộc sống bên nhau mỗi ngày, khi cô được cha và mẹ kế dạy cô “nói và viết tiếng Việt rất chuẩn” ngay từ đầu đời và lớn lên trong tình yêu của gia đình, tình yêu Việt Nam, tiếng nói Việt Nam khi sống giữa Paris.

PS. Người Sài Gòn vẫn nhớ cô, giọng ca trầm với bài “Đêm đông” của Nguyễn văn Thương. Cô nổi tiếng với bài nay khi mới 15 tuổi. Danh ca Bạch Yến là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình Ed Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ năm 1965, là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất đã hár cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng của Mỹ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon… và là ca sĩ Việt đầu tiên và duy nhất hát nhạc phim Hollywood The Green Berets (Mũ nồi xanh)

35 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page