KIM HANH VU
CỨ YÊU LÀ THOÁT TỘI ?

Chuyện kịch của “Yêu là thoát tội” của đoàn kịch “Thế giới trẻ” không phải là chuyện Nguyễn Trãi - Thị Lộ (trong kịch là Nguyễn thị Lan và Nguyễn Thái Úy) mà xem thì cứ thấy rất lộ, đúng là chuyện của trung thần Nguyễn Trãi và cô vợ trẻ Thị Lộ chứ chi. Bà Nguyễn thị Lan bất thần bị gọi vào cung, làm công việc dạy học cho thái tử. Cuộc triệu hồi xé tan một gia đình, báo hiệu tai họa sẽ ập đến do những kẻ gian thần muốn nhổ cái gai Nguyễn đại thần của đấng Tiên Vương. Ông vua trẻ đem lòng yêu cô vợ trẻ của lão thần Nguyễn Trãi. Chuyện ắt đến phải đến. Nữ học sĩ cũng cảm kích và cảm mến nhà vua . Người thứ ba – ông vua- lại là ông trời, thiên hạ tất tật là của ông, nên ông yêu đại cô vợ của bậc khai quốc công thần của cha mình, cũng được chứ sao. Thế là bọn gian thần có thêm “điều kiện” để bày ra cuộc đầu độc vua, đổ tội cho Nguyễn thị Lan và quan Nguyễn Thái Úy.
Xem kịch, tôi ngồi cạnh nghệ sĩ Kim Xuân, diễn viên kịch nói và điện ảnh tên tuổi. Chị Kim Xuân cứ chốc chốc lại thốt lên, cảnh này dựng tốt quá; ô, mấy vai này diễn vững quá; đoạn này chắc tay quá hả chị? Tôi gật đầu đồng cảm. Cảnh trí là tối giản, y trang cực đa nghĩa và công phu. Mấy vai diễn nổi bật đều là những diễn viên có “số má”. Cô giáo trường sân khấu điện ảnh Hoàng Yến thì quá lão luyện rồi, đạo diễn cũng là diễn viên chính Xuân Hồng vai Nguyễn Thái Úy rất tròn vai (dù hai bạn tôi, Kim Xuân và Mỹ Khanh suốt vỡ cứ nói nhỏ với tôi, tỏ vẻ tiếc rằng, cụ Thái Úy này, tác giả có để cho cụ hơi chỉ nặng lòng ghen tuông hơn là lo nghĩ việc lớn nhỉ) còn nghệ sĩ “tay ngang” bạn tôi là nhà thiết kế, họa sĩ Sỹ Hoàng vào kịch rất “êm”, rất chuyên nghiệp, bạn trẻ Lê Hoàng Giang tôi đã xem vai “ca sĩ thần tượng đểu” trong “A lô, lộ hàng” của Idecaf vẫn giữ phong độ. Và duyên dáng, bản lĩnh nhất là Phạm Huy Thục vai thái giám - gian thần Lê Đa, té ra đã đoạt huy chương vàng hội diễn sân khấu kịch nói năm nay,đó đều là những vai diễn rất nghiêm túc. Bộ ba của mối tình tam giác nhà vua, Thị Lan, Thái Úy bị cuốn xoáy vào giữa trận lốc quyền và lực đã bộc lộ được nỗi cô đơn trong từng cảnh đời, là “luận đề” chính của tác giả Lê Chí Trung. Rồi thêm nỗi cô độc đáng thương của Thái giám Nguyễn Hiền, họ đều là nạn nhân của một thời nghe mô tả rất quen, gian thần thì nhung nhúc mà trung thần thì quá cô độc và cứ “trong suốt” để cho bọn xấu mặc tình tác quái.

Điều tôi mừng nhất là sự tự định hướng của nhưng người sáng lập nhóm kịch này : sẽ dựng kịch về lịch sử-văn học, góp phần giáo dục về Lịch sử và văn học cho học sinh-sinh viên. Và cho tất cả những ai trân trọng nghệ thuật nghiêm túc. Quả thật sân khấu kịch nói đang trải qua những ngày bi kịch nhất. Sân khấu Phú Nhuận-Hồng Vân không tồn tại nổi. Sân khấu Hoàng Thái Thanh phải chuyển qua diễn theo mùa . Sân khấu kịch chuyên chuyển thể tác phẩm văn họa Việt Linh còn đang tìm đường. Nay việc xác định làm chính kịch về lịch sử -văn học là một quyết định thật hợp thời, cần thiết.
Tôi là người được mời đi xem kịch tối qua. Tình cảnh hiện nay, làm báo, làm sách, làm sân khấu mà không thu được (bán vé hay bán sách), cứ mời thì...khó sống. Tôi biết. Nên thật mừng khi có một nữ khán giả đứng lên thẳng thắn nói, kịch dựng quá công phu, diễn thật nghiêm túc, tôi xin góp 500 USD nuôi đoàn. Hôm qua, tôi nói với cô em từng làm Phó giám đốc Sở văn hóa thông tin TP, phải chi nhà nước dành chút ít tiền hỗ trợ nhưng đoàn kịch tử tế để họ góp sức nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa cho xã hội? Cô em tôi nói, có chứ, ngân sách đâu thiếu, nhưng thông lệ, nhà nước đâu có tài trợ cho tư nhân được? Ừ nhỉ, đó là thông lệ, cứ khư khư vậy khỏi bị phê phán là lấy tiền nhà nước (công khố)giúp cho “bọn” tư nhân. Nhưng kịch quốc doanh đâu? Và liệu là có thể rót tiền cho các trường (công )mời kịch hay, đúng dắn, bổ ích vào dạy phụ khóa cho HS-SV cũng là tạo nguồn nuôi kịch? Như vỡ Tiên Nga của Idecaf mà còn “câu nệ” không được lấy tiền ngân sách tài trợ kịch tư nhân thì Tiên Nga làm sao sống? Đoàn kịch quốc doanh nào dám dựng Tiên Nga?
Thưa ông nhà nước, nguyên tắc xưa rích đó thôi kệ nó, mình vẫn phải nghĩ ra cho bằng được nhiều cách linh hoạt tạo lương thực thực phẩm ngon và lành cho đời sống tinh thần người dân đô thị này chứ?